Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

H.Vũ (thực hiện) 03/04/2020 09:00

Nền kinh tế và các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của dịch Covid-19. Vì thế mục tiêu kép đang được Chính phủ thực hiện khi vừa phải xây dựng phương án ứng phó với tác động của dịch, vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế để tăng trưởng trong bối cảnh năm cuối của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu; chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ đã dành cho ĐĐK một cuộc trao đổi về những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, cũng như kỳ vọng và khuyến nghị những giải pháp trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trên.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

Quên mình để người dân có cuộc sống bình yên

PV:Thưa các vị khách mời, các vị đánh giá thế nào về hành động của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa lo phát triển kinh tế?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đánh giá rất cao những những nỗ lực của Chính phủ trong chống dịch Covid-19 cũng như phát triển kinh tế trong suốt thời gian qua. Đó là những nỗ lực rất đáng hoan nghênh. Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống như: cách ly, khoanh vùng. Với biện pháp chặt chẽ như vậy, Việt Nam đã chống dịch hiệu quả hơn so với nhiều nước tiên tiến ở châu Âu, và Mỹ.

Ông Nguyễn Túc: Tôi cũng đồng tình với quan điểm trên. Phải nói rằng trong thời gian qua, nhân dân luôn theo dõi sát sao hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và tập thể Chính phủ. Nhiều người đã bày tỏ cảm phục sự làm việc hết mình của những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ ngày đêm lo đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, nhưng đồng thời cũng lo làm sao để kinh tế phát triển. Khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” đã được thể hiện hết sức rõ nét trong những hoạt động hàng ngày của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, rồi các Bộ như: Y tế, Công an, Quân đội. Nhiều người dân nói rằng rất xúc động trước làm việc quên mình, đầy trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành liên quan để đảm bảo cho cuộc sống của nhân dân được yên bình, bớt bị đảo lộn.

Ông Bùi Đức Thụ: Tôi xin phân tích thêm, chính sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ngăn chặn được sự lây lan của Covid-19. Nhưng song hành với đó là các giải pháp yêu cầu các cấp, các ngành để tháo gỡ, đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cá nhân tôi đánh giá rất cao việc vừa qua dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xem xét, bắt đầu khoanh, giãn nợ, giảm thời hạn thu hồi vốn để hỗ trợ các ngành, doanh nghiệp duy trì sản xuất. Đó chính là những giải pháp quan trọng rất cần thiết vào thời điểm này để không dẫn đến những đổ vỡ lớn.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép - 1

Ông Nguyễn Túc.

Thách thức nhưng cũng là thời cơ

Ngay sau khi có ý kiến của chuyên gia về việc cần gói hỗ trợ cho doanh nghiệp thì ngay lập tức Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ. Phải chăng đó là sự lắng nghe ý dân để điều hành, thưa các vị?

Ông Nguyễn Túc: Muốn chống dịch cũng như phát triển kinh tế rất cần sự tham gia của toàn dân. Bây giờ vừa chống dịch, vừa lo nhiệm vụ phát triển kinh tế cần phải lắng nghe và huy động các thành phần kinh tế vào chung tay giúp sức. Để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã có một loạt các giải pháp nhằm nhanh chóng giải quyết cuộc sống khó khăn cho người không có việc làm do ảnh hưởng của Covid-19. Đấy chính là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào giải quyết chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Tôi nghĩ tuy đây là thách thức nhưng cũng là thời cơ để chúng ta huy động sức mạnh toàn dân, khơi dậy tinh thần ý chí yêu nước của mọi người đóng góp vào ổn định đất nước của mình trong tình hình hiện nay.

Vừa qua UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động Cuộc vận động toàn dân tham gia vào chống dịch Covid-19. Đây là biểu hiện rõ nét nhất của truyền thống yêu nước, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong hoàn cảnh đất nước khó khăn. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, việc phát động “Tuần lễ vàng” để huy động tiền, của, của các nhà hảo tâm, các nhà tư sản đã đóng góp hàng nghìn cây vàng cho cách mạng. Trong đó có gia đình ông bà Trịnh Văn Bô...Việc phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 là cách để UBTƯMTTQ Việt Nam chung tay cùng Chính phủ huy động sức dân vào cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19; nhưng qua đó, muốn khơi dậy sức mạnh của nhân dân. Không chỉ trong chống dịch mà khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong phục hồi kinh tế. Những ngày qua, chúng ta có thể thấy một loạt các doanh nhân, các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng đã đóng góp công sức của mình vào để cùng với Chính phủ lo cho dân, để người dân được yên ổn trước dịch bệnh, và ổn định cuộc sống hàng ngày đỡ đảo lộn. Với tinh thần mà Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam đã phát động, tôi tin rằng thời gian tới tinh thần ấy sẽ lan tỏa đi xuống từng cơ sở, và có nhiều hình thức phong phú hơn để huy động sức dân vào cái ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế của chúng ta.

Ông Bùi Đức Thụ: Tác động của dịch Covid-19 là rất lớn. Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh đình trệ thì chúng ta phải tính đến các gói kích thích kinh tế, không chỉ dừng ở kích thích tiền tệ, tín dụng mà cần có giải pháp về tài chính. Chính vì vậy vừa qua tôi đã có đề nghị và Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tung ra các gói hỗ trợ, tiền tệ lớn để khoanh lại nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay. Cá nhân tôi đánh giá việc lắng nghe các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trước khi ban hành chính sách sẽ làm cho chính sách sát thực tế hơn, tạo được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp hơn.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép - 2

Ông Bùi Đức Thụ.

“Cấp cứu” doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô

Thưa các ông, việc Chính phủ đã tung ra các gói hỗ trợ được coi là giải pháp tức thời giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn để tái sản xuất, kinh doanh. Nhưng làm sao để các gói hỗ trợ này nhanh chóng đến với đối tượng được hỗ trợ và trong thời gian tới, chúng ta cần lưu ý đến những vấn đề gì, trong điều hành?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Cái khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện tại là họ đang mất khả năng thanh khoản, không đủ tiền để chi tiêu, trả lương công nhân, trả cho nhà cung cấp, tiền thuê mặt bằng, các chi phí ngày càng đội lên, doanh thu giảm nên doanh nghiệp cho nhiều công nhân nghỉ việc, nhiều cửa hàng giảm doanh số 10-20% so với trước. Đây là tình trạng khẩn cấp cho nên chúng ta phải cứu các doanh nghiệp. Hiện Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ 280 nghìn tỷ đồng, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30 nghìn tỷ đồng của Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đối với gói hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng, đây là tổng các gói mà các ngân hàng thương mại cam kết cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với thông thường. Nhưng cái đó không cứu được thanh khoản, nó chỉ hỗ trợ giúp cho nền kinh tế vượt qua khó khăn. Hiện doanh nghiệp không còn thì giờ để cầm cự, vượt qua khó khăn nữa mà “sống chết” đang ở trước mắt. Do đó Chính phủ nên có gói hỗ trợ tức thì. Như ở bên Mỹ chẳng hạn, tức là Chính phủ bơm tiền cho các doanh nghiệp. Theo đó, cách thứ nhất là bơm tiền vào các Quỹ bảo lãnh tín dụng, sau đó các Quỹ bảo lãnh tín dụng này bảo lãnh cho các ngân hàng. Lúc đó các ngân hàng sẽ cho vay doanh nghiệp vay. Cách thứ hai là Bộ Tài chính có ngay những giải pháp hoãn, giãn thuế ngay cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong trường hợp các doanh nghiệp cần tiền do đang có nguy cơ phá sản thì có thể hỗ trợ trực tiếp bằng cách đưa tiền cho họ. Đó không phải là tiền cho không mà là tiền cho vay, với cách như vậy không phải trải qua các kênh khác nữa, khiến mất nhiều thời gian. Bởi nếu quy trình như hiện nay việc giải ngân gói hỗ trợ mất rất nhiều thời gian, thủ tục.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép - 3

Dù khó khăn, công nhân ngành may vẫn miệt mài sản xuất. Ảnh: Xuân Vũ.

Ông Bùi Đức Thụ: Nếu như dịch Covid-19 kéo dài sẽ diễn biến phức tạp và tác động toàn diện đến nền kinh tế, để lại những hiểm họa lớn. Do vậy theo dõi và ngăn chặn dịch ở phạm vi nào? Tác động xấu tới ngân sách nhà nước ra sao? Chúng ta phải có kịch bản để đối phó với từng trường hợp như vậy. Do đó trong bối cảnh hiện nay theo tôi cần quan tâm đến vấn đề ngân sách. Ngân sách nhà nước trong những năm gần đây tuy bức tranh có được cải thiện, thu ngân sách nhà nước có tăng, chi ngân sách nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn, bội chi ngân sách có tỷ lệ giảm dần. Từ đó khiến dư nợ công/GDP trong vài năm gần đây có xu hướng giảm xuống, đó là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế-xã hội diễn biến khó lường, trong nước và quốc tế xuất hiện nhiều tác động không thuận, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đang tác động xấu đến các ngành, lĩnh vực. Hiện nhiều doanh nghiệp như dệt may, giày da bắt đầu khó khăn do thiếu nguyên vật liệu. Kể cả điện thoại, vừa qua chúng ta xuất khẩu hơn 50 tỷ USD nhưng phụ thuộc vào nguyên vật liệu của nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi hiện 2 nước này đang lâm vào khó khăn do Covid-19, tác động lớn tới hoạt động sản xuất của nước ta. Nếu những ngành này không tốt sẽ dẫn đến xuất khẩu bị ảnh hưởng suy giảm, đe dọa đến cán cân ngoại thương, xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, sự ổn định tiền tệ, và kiểm soát lạm phát. Như vậy ngân sách nhà nước cũng chịu ảnh hưởng.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, kinh tế càng phát triển, doanh nghiệp phát triển thì thu ngân sách nhà nước mới nhiều. Nhưng dịch Covid-19 tác động làm cho nền kinh tế chậm lại, khó khăn hơn. Theo dự báo của chúng tôi là sẽ giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng quy mô giảm thu bao nhiêu? mức độ tác động thế nào còn phụ thuộc vào thời hạn diễn ra dịch. Nếu dịch diễn ra ngắn, đến hết tháng 3 nhưng “hội chứng” do nó đem lại có thể kéo dài sang một vài quý tiếp theo, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của một số ngành lĩnh vực chịu sự tác động, giảm tốc độ tăng trưởng, quy mô sản xuất kinh doanh và sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tác động toàn diện như vậy thì chi ngân sách nhà nước lại phải tăng lên để chống đỡ với những “cú sốc” từ bên ngoài do tác động xấu của Covid-19. Thu ngân sách nhà nước giảm, chi ngân sách nhà nước bị tăng lên. Do đó để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lại cú chấn động Covid-19 một cách hiệu quả thì về mặt chính sách tài khóa rõ ràng việc xác định khoanh, giãn, giảm các khoản nộp ngân sách nhà nước với các đối tượng chịu tác động của dịch, chúng ta phải tính đến việc xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa cho phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết những vấn đề cấp bách.

Trân trọng cảm ơn các vị.

H.Vũ (thực hiện)