Kiều bào chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Đóng góp của 4,5 triệu kiều bào là không thể cân đong đo đếm được. Không chỉ là nguồn kiều hối gần 17 tỷ USD/năm (năm 2019), quan trọng chính là nguồn trí lực, mạng lưới thông tin, hỗ trợ, kết nối, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, đầu tư kinh doanh ra nước ngoài.
Doanh nhân kiều bào về dự chương trình gặp mặt Kiều bào Xuân 2020 của TP HCM.
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kiều bào khắp nơi trên toàn thế giới có cơ hội tham gia, đóng góp, chia sẻ với đất nước.
Đóng góp của 4,5 triệu kiều bào là không thể cân đong đo đếm được. Không chỉ là nguồn kiều hối gần 17 tỷ USD/năm (năm 2019), quan trọng chính là nguồn trí lực, mạng lưới thông tin, hỗ trợ, kết nối, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, đầu tư kinh doanh ra nước ngoài.
Ông Peter Hồng, Kiều bào Australia, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trong tình hình dịch Covid-19, ở đất nước mình, chưa bao giờ tôi cảm nhận tính nhân văn, tính chia sẻ, tính đùm bọc lại lớn lao thế này.
Xuyên qua dịch bệnh, càng thấy được trách nhiệm, tầm vóc và tấm lòng bao dung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ lo cho bà con kiều bào, không phân biệt đối xử với kiều bào ở bất kỳ quốc gia nào. Dù có khó khăn, Nhà nước vẫn bảo hộ công dân, giúp đỡ bà con kiều bào ở các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù biết rằng, những công dân đó, những kiều bào đó đang có nguy cơ bị bệnh, đã bị bệnh…, đất nước Việt Nam vẫn đón tiếp bà con và điều trị ngay, trong điều kiện tốt nhất có thể.
Đến giờ phút này, đất nước dang tay đón nhận, đùm bọc, lo toan cho nhiều kiều bào về nước tránh dịch Covid-19 nhưng chưa nhận một đồng phí nào của các kiều bào.
“Hiện nay, trong toàn quốc có vài chục ngàn kiều bào phải cách ly phòng dịch bệnh. Đây là việc chẳng đừng, vì an toàn cho chính mình, cho gia đình, cho cộng đồng. Chắc chắn điều kiện trong các khu cách ly không thể bằng nhà mình. Nếu có thiếu thốn một chút, thì mong các bạn thông cảm, chia sẻ, vì vấn đề chung của đất nước, vì lợi ích của mình và người thân. Đất nước dù còn nghèo nhưng vẫn đảm bảo dân mình đủ ăn, cung cấp điều kiện cơ bản để người dân qua cơn dịch. Bình tâm cách ly 2 tuần, cũng là thời gian cần tận dụng để nghỉ ngơi, đọc sách, tập thể dục… Với bà con kiều bào, trải nghiệm này là cơ hội lớn để thấy được trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ”, ông Peter Hồng chia sẻ.
Ông Peter Hồng tiếp tục chia sẻ: “Những góc nhìn không đúng, những thông tin sai sự thật, tuyên truyền chưa được đúng theo chính sách của Nhà nước, xin bà con suy nghĩ lại. Nhờ bà con chia sẻ sự nhân văn, sự đùm bọc lớn lao này cho bạn bè mình, cho gia đình mình để hiểu được chính sách nhân văn lớn lao của Nhà nước”.
Ông Peter Hồng cho biết thêm, trong tương lai gần, khi dịch qua đi, chúng ta càng nhận thức trách nhiệm của kiều bào với nguồn cội ra sao; các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào thể hiện đóng góp của mình thế nào để xây dựng quê hương đất nước?.
Qua dịch bệnh, chúng ta sẽ nói đến phát triển kinh tế, cần chung tay góp sức, làm được gì cho xuất nhập khẩu, cho tiêu thụ nông sản tồn đọng của bà con nông dân… Có thể làm được điều gì thì kiều bào chúng ta cần mạnh dạn tham gia dựng xây, hỗ trợ đất nước, cùng chia sẻ những khó khăn mà đất nước đã gánh chịu qua cơn dịch.
“Trước mắt, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ TP HCM, kiều bào có thể đóng góp bằng tâm sức, bằng tài chính hiện hữu. Trong tâm mình có được gì thì hãy đóng góp trực tiếp theo sự kêu gọi của MTTQ các cấp, cùng chung sức chung lòng với đất nước sớm vượt qua dịch bệnh”, ông Peter Hồng nói.