Những hành vi đáng lên án

Duy Khang 04/04/2020 08:00

Trong “cơn bão” dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, có một điều đáng buồn là một số người lợi dụng sự lo lắng về sức khỏe của người dân để tung ra những chiêu trò lừa đảo, những hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi. Đó là những hành vi gian lận thương mại đáng lên án và phải xử lý nghiêm khắc.

Những hành vi đáng lên án

Chỉ cần gõ tìm kiếm trên mạng xã hội những cụm từ như “khẩu trang kháng khuẩn”, “nước rửa tay kháng khuẩn”… người mua dễ dàng tìm thấy hàng loạt các sản phẩm khẩu trang, nước rửa tay phục vụ mùa dịch với các loại giá “trên trời”. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những sản phẩm nước rửa tay, khẩu trang được rao bán không phải sản phẩm nào cũng đều đảm bảo chất lượng đúng với cái tên gọi “kháng khuẩn” của nó. Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, kể từ thời điểm xuất hiện dịch Covid 19 đến cuối tháng 3, QLTT cả nước xử lý gần 7.000 vụ lợi dụng dịch Covid-19 để kiếm lời bất chính. Số tiền xử phạt hành chính lên đến hơn 2,5 tỷ đồng.

Đó là tại thị trường truyền thống, còn trên các sàn thương mại điện tử, tình hình “buôn gian bán lận” ăn theo dịch cũng diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Bộ Công thương, tính đến đầu tháng 3,trên các sàn thương mại điện tử đã được rà soát tổng số trên 750.000 gian hàng và trên 2.759.000 sản phẩm; đã xử lý, gỡ bỏ gần 8.900 gian hàng với gần 23.000 sản phẩm vi phạm, lợi dụng dịch Covid-19 tăng giá vật phẩm phòng dịch.

Thời gian qua, Chính phủ đã bày tỏ thái độ quyết liệt với những hành vi sai trái gian lận thương mại, lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân trong dịch bệnh để tăng giá sản phẩm. Thậm chí cả những hành vi tuyên truyền thông tin về các loại “bùa” có thể tiêu diệt hay khử, ngăn cản được Covid-19. Như việc vào cuộc xử lý, rút giấy phép kinh doanh đối với các nhà thuốc vi phạm.

Nhận định về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những hành vi găm hàng đẩy giá, hoặc sản xuất khẩu trang rởm từ giấy vệ sinh đã bị phanh phui thời gian qua, kể cả việc lợi dụng tâm lý người tiêu dùng để tuồn ra thị trường những sản phẩm mang tính chất lừa đảo, thiếu tính khoa học như các loại thẻ chống virus Corona… là những hành động nhẫn tâm, không có đạo đức kinh doanh đáng lên án.

“Trong khi Chính phủ cùng cả xã hội đang ngày đêm tìm cách ngăn dịch để giữ an toàn cho người dân thì những hành vi đó cần phải được vạch trần và trừng trị nghiêm khắc”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu cho Trưởng ban Chỉ đạo, các thành viên và cơ quan đơn vị chức năng chủ động nắm tình hình, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng thiết bị vật tư y tế phục vụ chống dịch bệnh do Covid-19. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như đầu cơ, găm hàng, vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Trước đó, tại cuộc họp với các ban,ngành về công tác chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Tổng cục QLTT cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo ổn định thị trường, không để hiện tượng lợi dụng dịch bệnh đầu cơ tăng giá, hàng nhái, hàng giả trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

“Dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhu cầu khẩu trang sẽ ngày một nhiều hơn, Tổng cục QLTT cần phối hợp với Cục Công nghiệp hoàn tất quy trình sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và giọt bắn để đưa ra thị trường, nhất là vào hệ thống các hiệu thuốc trên cả nước để mỗi người dân có thể dễ dàng tiếp cận”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Duy Khang