Phố núi trong nhịp đập yêu thương
Cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19, các tỉnh biên giới phía Bắc cũng đã và đang tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt. Tại thành phố Lào Cai, nơi vốn rất nhộn nhịp giao thương với Trung Quốc, cùng với việc kiên quyết dập dịch thì bà con nhân dân cũng có nhiều cách ứng phó thích hợp, đảm bảo cuộc sống. Trong khó khăn, tình người thêm ấm áp.
Tại Lào Cai, các cửa hàng đã chuyển sang hình thức mua bán online để phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu từ 0h ngày 28/3 Lào Cai đã nhất loạt tạm dừng các dịch vụ không cần thiết. Trước đó, nhiều cửa hàng tại thành phố Lào Cao đã thông báo chỉ bán online. Sau thời điểm 28/3, thì “nhịp điệu online” ở thành phố miền núi cao biên cương này đã nhịp nhàng hơn.
Ở thành phố Lào Cai, giới trẻ rất biết quán kem và trà sữa Mixue. Đây cũng là địa điểm thu hút nhiều đôi, nhiều nhóm người trẻ. Nhưng rồi thì Mixue cũng chính thức thông báo: “Cùng Mixue chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Để hạn chế tiếp xúc đông người và giữ khoảng cách ít nhất 2m, vậy nên Mixue chính thức chỉ nhận đơn ship và khách mua về”. Hậu, một nhân viên bán hàng của Mixue cho biết, kể từ khi chuyển sang bán online, lượng hàng có giảm nhưng rất yên tâm. Theo Hậu, chống lây lan dịch trong cộng đồng thì đó là cách làm tốt nhất.
Trên đường Soi Tiền, quán cà phê Nguyễn đẳng cấp ở thành phố này cũng dừng tất cả các dịch vụ trực tiếp. Theo chị Hiền (Nguyễn), việc chuyển sang kinh doanh online chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của quán bởi khách hàng có thói quen đến quán thưởng thức cà phê ngắm phố phường. “Nhưng vì mục tiêu “chống dịch như chống giặc” cà phê Nguyễn nghiêm chỉnh chấp hành”- chị Hiền nói.
Người Lào Cai nhanh chóng thích nghi với nhịp sống chậm trong những ngày cao điểm chống dịch Covid-19. Thành phố vùng biên vốn rất nhộn nhịp, căng tràn sức sống nhưng cũng là nơi người dân thích nghi nhanh với hoàn cảnh. Tại Cửa khẩu quốc tế thông sang Hà Khẩu, chỉ có lực lượng chức năng, còn thì người hai bên rất ít qua lại. Cửa khẩu Kim Thành cũng trong tình trạng tương tự dù đây là nơi vốn cực kỳ nhộn nhịp và ồn ã giao thương biên giới.
Trong thành phố, các cửa hàng đóng cửa. Nhiều cửa hàng hoa quả sạch vốn rất tín nhiệm cũng đã chuyển sang kinh doanh online, với khuyến cáo khách hàng cứ ở nhà đặt hàng, trong trường hợp khách yêu cầu sẽ có người mang hàng tới tận nhà.
Trong số đó, có Shop hoa quả sạch Fancy. Shop cam kết trái cây đem đến nhà sẽ tươi ngon và chất lượng như khách đến chọn tại cửa hàng. Năng động, linh hoạt, Fancy đã lồng ghép nhiều combo hấp dẫn cho khách hàng với giá ưu đãi trong thời gian chống dịch. Kể cả việc gọt sẵn nếu người mua có yêu cầu. Chị Vân, chủ shop hoa quả sạch Fancy cho biết, bên cạnh bán hoa quả, shop còn sẵn rất nhiều thực phẩm tươi ngon khác như cá hồi, thịt bò, hải sản… phục vụ khách hàng. “Chúng tôi khuyến khích khách hàng đặt mua sắm tại nhà và sẽ giao hàng tận nơi miễn phí”- chị Vân nói và cho biết thêm việc kinh doanh của shop bị bị ảnh hưởng không nhiều.
Trong khó khăn chung, người Lào Cai phát huy tinh thần tương thân tương ái. Dịp này, nhiều chủ nhà đã giảm giá thuê cho khách trọ và chủ các cửa hàng kinh doanh nhằm hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chị Thu, một tiểu thương từ Bắc Ninh lên Lào Cai buôn bán hàng Trung Quốc thuê nhà tại phường Bình Minh với giá hơn 3 triệu đồng/tháng. Hơn 2 tháng qua, buôn bán chùng lại nên cuộc sống của hai vợ chồng chị Thu cũng khó khăn. Chị đã thương thảo với chủ nhà và gần như ngay lập tức chủ nhà đã giảm giá thuê cho chị một nửa. Chị Thu cho biết, 1,5 triệu 1 tháng đối với gia đình chị là số tiền rất quý giá. Giờ thì chị có thể yên tâm ở nhà còn chồng thì ship hàng thuê, cũng đủ ăn, đợi khi tình hình khôi phục trở lại. “Ở Lào Cai nhiều chủ nhà tốt bụng lắm”- chị Thu nói.
Tương tự, chỉ Hải cũng là người thuê phòng trọ cho biết, hai vợ chồng từ Bắc Giang lên Lào Cai làm cho một công ty xuất, nhập khẩu. Do dịch Covid-19, nên công ty tạm thời cắt giảm lương. Rất may chủ nhà đã miễn phí hoàn toàn tiền thuê nhà cho vợ chồng chị Hải 3 tháng. Còn chị Khánh, thuê mặt bằng 50m2 trên đường Ngô Quyền để bán hàng thời trang công sở với giá 12 triệu đồng/tháng. Biết người thuê nhà gặp nhiều khó khăn trong buôn bán, chủ nhà đã chủ động gặp và đề xuất miễn phí tiền thuê nhà 2 tháng, những tháng tiếp theo giảm 50% tiền thuê nhà. “Chủ nhà còn động viên tôi yên tâm làm ăn, đây là khó khăn chung, nên cùng nhau chia sẻ để vượt qua giai đoạn này”- chị Khánh nói. Tương tự, anh Luận thuê nhà ở phường Cốc Lếu để bán hàng ăn, trước đây mỗi tháng phải trả 20 triệu đồng. Rất may, chủ nhà tốt bụng giảm cho anh 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng để anh có thể tiếp tục kinh doanh bằng cách tăng dịch vụ ship hàng tận nhà.
Trong khó khăn, tình người càng thêm quý hóa. Với Lào Cai, thành phố biên cương, nơi đây tình người càng đầy đặn. Nói như chị Thủy, người có nhà cho thuê mở cơ sở mầm non ở phường Kim Tân thì nay trường nghỉ thì miễn 100% tiền nhà cho người thuê cũng là việc nên làm. “Khó khăn là khó khăn chung của tất cả mọi người, mỗi người cần góp một chút sức mình để chung tay cùng chống dịch. Thiệt thòi một chút cũng không sao”- chị Thủy chia sẻ.
Những ngày này ở phố núi Lào Cai, người ta yêu thương nhau hơn.
Tàu container lạnh liên vận quốc tế kiểm tra kỹ thuật, làm thủ tục thông quan tại ga Đồng Đăng để chạy sang ga Bằng Tường, sáng 24/3/2020. Ảnh: Thanh Thúy.
Kể từ trung tuần tháng 2/2020, ngành đường sắt bắt đầu khai thác tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển thanh long chạy thẳng từ ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc), với những tiêu chuẩn kiểm dịch chặt chẽ của cả hai bên.
Ông Nguyễn Chính Nam,Trưởng ban Kế hoạch (Tổng công ty Đường sắt VN) cho biết tàu chuyên container lạnh chở hàng nông sản tươi sống từ phía Nam ra ga Đông Anh, Yên Viên (Hà Nội) mất khoảng 64 giờ. Sau đó chạy đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) mất khoảng 6 giờ nữa. Cộng với thời gian chờ làm các tác nghiệp kĩ thuật dọc đường, thủ tục, đến khi thông quan nhiều nhất cũng chỉ mất 5 ngày. Một đoàn tàu có thể chở đến 20 container lạnh, cước đường sắt thấp hơn so với cước đường bộ khoảng 20%. Trong khi đó, nếu đi bằng đường bộ sẽ cần đến 20 chiếc ô tô.
Còn ông Phạm Đức Khái- Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt ga Đồng Đăng, Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, tàu đến ga Đồng Đăng, thời gian chờ đợi làm tác nghiệp kĩ thuật toa xe, đầu máy và làm thủ tục cũng chỉ khoảng nửa buổi là có thể chạy sang ga Bằng Tường. Thời gian chạy tàu cũng chỉ khoảng 40 phút. Chỉ trong khoảng một tháng kể từ khi chạy chính thức, đã xuất được khoảng 200 container lạnh thanh long. Đây là phương thức xuất khẩu trái cây chính ngạch hiệu quả trong dịch Covid-19 khi mà các loại trái cây Việt Nam như xoài, mít… đang vào vụ thu hoạch.
PV