Xuất khẩu gạo, nên hay không?
Thời gian gần đây việc chúng ta có tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo hay không trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường an ninh lương thực - thu hút sự chú ý rộng rãi. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc này trên cơ sở cân nhắc ý kiến nhiều phía. Vì rằng, việc xuất khẩu hay không xuất khẩu gạo trong điều kiện hiện nay là điều rất hệ trọng.
Thu hoạch vụ đông xuân 2019-2020 tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Quốc Trung.
Sẽ sớm có phương án về việc xuất khẩu gạo
Tại cuộc họp ngày 23/3 với Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề xuất tạm hoãn xuất khẩu gạo tới cuối tháng 5/2020 để đảm bảo an ninh lương thực. Đề xuất này được Thủ tướng chấp thuận. Nhưng ngay sau đó, Bộ Công thương lại đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo.
Cụ thể, ngày 28/3, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng kiểm soát theo từng tháng. Trước mắt, tháng 4 và tháng 5 sẽ xuất khoảng 800.000 tấn. Đề xuất trên được Bộ Công thương đưa ra sau khi làm việc, khớp lại số liệu với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan. Đáng chú ý, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công thương về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo chiều 26/3 tại TPHCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng: Nguồn cung trong nước và tại kho các DN khá dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đề nghị Bộ Công thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Thủ tướng nêu rõ quan điểm, bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực… Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Đáng lưu ý, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Công thương trước ngày 5/4/2020. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/4/2020, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh Covid- 19.
Xuất khẩu có kiểm soát
Còn theo báo cáo Bộ Công thương gửi Thủ tướng ngày 28/3, cơ quan này đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo trở lại nhưng kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5. Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 là 800.000 tấn, sau khi đã trữ 300.000 tấn vào kho dự trữ quốc gia và 400.000 tấn giữ lại phòng tình huống có thể xảy ra trong 2 tháng tới. So với cùng kỳ năm 2019, lượng gạo được phép xuất khẩu 2 tháng tới giảm 40% và khoảng 36% so với giai đoạn 2018. Riêng trong tháng 4, lượng gạo có thể xuất khẩu là 400.000 tấn gạo. Lượng còn lại xuất trong tháng 5 sẽ được Thủ tướng quyết định vào tuần cuối cùng của tháng 4.
Để xuất khẩu gạo, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch (300.000 tấn). Ngoài ra, chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không...), nơi có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan tiện theo dõi, phản ánh theo thời gian thực.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra đề xuất, 20 DN xuất khẩu gạo lớn phải ký thoả thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị bảo đảm cung cấp dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thoả thuận, Bộ Công thương có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Được mùa, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi. Ảnh: Quốc Trung.
Báo cáo Thủ tướng lần này, Bộ Công thương cũng khẳng định, các số liệu về tình hình tồn kho, sản xuất lúa gạo Bộ NNPTNT đưa ra về sản lượng gạo xuất khẩu, sản lượng mùa vụ đông xuân trước đó về cơ bản là đúng. Cụ thể, dự báo vụ lúa 2020 sẽ cho thu hoạch 43,5 triệu tấn thóc, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 là 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ đông xuân năm 2020 có khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hoá dành cho xuất khẩu, số này có thể tăng thêm 200.000-300.000 tấn do một lượng gạo nhất định “gối đầu” từ năm trước chuyển qua. Trong khi đó rà soát tại doanh nghiệp, riêng các thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo còn trong kho là hơn 1,65 triệu tấn. Đến 31-5, số gạo dư của các thành viên VFA là 266.000 tấn. Tính chung các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội này, lượng gạo hiện có trong kho là 1,783 triệu tấn.
Có lo thiếu gạo?
Trước thông tin ngày 26/3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã chính thức kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại, tiếp đó ngày 28/3, Bộ Công thương kiến nghị xuất khẩu 800.000 tấn gạo trong các tháng 4 và 5 nhưng có kiểm soát; GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp đã rất ủng hộ. Theo GS Xuân, đây là đề xuất rất hợp thời và hợp lý cho cả DN và nông dân. Không thể đột ngột dừng xuất khẩu gạo khi gạo Việt Nam đang được giá trên thị trường quốc tế. Hiện lúa gạo còn nhiều trong kho DN và hiện nay bà con nông dân ĐBSCL đang thu hoạch rộ.
Về những lo ngại vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán ở ĐBSCL nên cần cân nhắc việc tiếp tục cho xuất khẩu gạo, GS Xuân phân tích: Chúng ta không lo thiếu gạo vì lượng lúa gạo vừa thu hoạch trong vụ đông xuân 2019-2020, sau khi đã dành cho an ninh lương thực rồi vẫn dư thừa ít nhất 3 triệu tấn. Nếu Việt Nam chậm ký hợp đồng giành khách hàng thì Thái Lan sẽ ký trước chúng ta. “Tôi e rằng không còn cơ hội cho gạo Việt Nam khi chúng ta đến sau”- ông Xuân nói.
Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cũng cho rằng, chúng ta không lo thiếu gạo. Dù năm nay hạn, mặn gay gắt nhưng năng suất lúa vẫn rất cao so với những năm không có hạn, mặn nên không ảnh hưởng đến tổng sản lượng lúa gạo. “Vì vậy, Việt Nam nên cho xuất khẩu gạo”- theo ông Bình.