Ngành công nghệ thông tin: Vẫn khát nhân lực chất lượng cao
Mùa tuyển sinh 2020 đang đến gần, những lựa chọn ngành học và nghề nghiệp lại đang là những băn khoăn đặt ra cho các bạn trẻ.
Ở các mùa tuyển sinh trước, nhiều chuyên gia đã dự báo về xu hướng lên ngôi của ngành công nghệ thông tin (CNTT). Điều này đã và đang được kiểm chứng trong quá trình dạy và học trực tuyến khi học sinh nghỉ học phòng Covid- 19, bởi những đòi hỏi cần thiết của việc ứng dụng CNTT. Dẫu thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhiều chuyên gia đã dự báo về xu hướng lên ngôi của ngành công nghệ thông tin.
Ứng dụng thiết thực
Theo TS Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dạy học online thời gian qua là giải pháp hữu hiệu giúp học sinh sinh viên (HSSV) bảo đảm việc học tập. Vấn đề đặt ra là, không riêng gì Covid-19, chúng ta phải cần chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra. Trong tình huống ấy, ngành công nghệ giáo dục (CNGD) cần có các giải pháp ứng dụng công nghệ vào trong dạy học, trong đó có dạy học online, và các chiến lược dạy học theo tiếp cận lấy người học làm trung tâm, góp phần hỗ trợ chất lượng dạy - học.
Hiện tại, làm việc trực tuyến mùa dịch cũng đang là một xu hướng được nhiều cơ quan, đơn vị, ngành nghề áp dụng. Điều này khiến những ứng dụng làm việc online đang lên ngôi. Thống kê cho thấy hàng nghìn trường học, trung tâm giáo dục… đã sử dụng Zoom (là phần mềm hội nghị trực tuyến đa điểm) để duy trì việc dạy và học cho giáo viên, học sinh sau hơn 2 tháng nghỉ dịch. Nhiều ứng dụng trực tuyến khác cũng đã tăng mạnh về số lượng người dùng trong mùa dịch như VNPT iOffice và VNPT Meeting, bên cạnh các ứng dụng truyền thống như Skype...
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), lưu lượng dữ liệu tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Cần nhân lực chất lượng cao
Tại Việt Nam, thị trường lao động của ngành CNTT được mở rộng với nhiều doanh nghiệp lớn, như việc cung cấp các dịch vụ giáo dục trực tuyến (TOPICA, FPT, Viettel, Vinaphone...). Bên cạnh đó, các công ty thiết kế đa phương tiện về truyền thông và giáo dục cũng triển khai outsource (nhân lực bên ngoài) trong lĩnh vực CNGD cho thị trường thế giới như: Game giáo dục, thực tại ảo, thực tại tăng cường...; xu hướng số hóa học liệu điện tử và sách điện tử tương tác ở các nhà xuất bản và bộ phận đào tạo tại doanh nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Dù ngành CNTT tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ nhưng các nhà tuyển dụng vẫn rất vất vả để tìm kiếm nhân sự chất lượng cao, nhằm giúp công ty phát triển nhanh chóng.
Tại một tọa đàm phát triển nguồn nhân lực CNTT và truyền thông trình độ cao năm 2019 do Bộ GDĐT tổ chức đã có những con số được đưa ra: 35.000 sinh viên tốt nghiệp ngành IT, chỉ có 30% làm việc được ngay. Số còn lại không đáp ứng được yêu cầu thực tế.
PGS.TS Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa TP HCM nhìn nhận: Thời gian qua, lĩnh vực CNTT phát triển quá mạnh mẽ, dẫn đến sự bùng phát về nhu cầu. Các trường đua nhau đào tạo nhưng không xác định được phân khúc thị trường sinh viên mình tốt nghiệp sẽ làm ở đâu, nghĩa là chưa đi sâu vào thị trường để hiểu được thị trường cần gì mà chỉ đào tạo dàn trải theo cái mình đang có. Doanh nghiệp hiện đang rất thiếu người làm được việc chứ không thiếu người có bằng cấp.
Trong nhiều năm trở lại đây và xu hướng những năm tiếp theo, CNTT vẫn được các chuyên gia dự báo là lĩnh vực “nóng” bậc nhất, đòi hỏi nguồn nhân lực phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Đó là lý do vì sao hầu hết các trường ĐH, CĐ đều có tuyển sinh và đào tạo ngành này. Tại nhiều trường, chỉ tiêu ngành CNTT luôn cao nhất nhì và đây cũng là một trong những ngành thu hút nhiều thí sinh nhất.
Do đó, giải pháp cho vấn đề nhân lực chất lượng cao ngành CNTT đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra: Các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần nhìn nhà trường như các bạn hàng. Hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích, không hợp tác với nhau thì không thể tồn tại được.