An sinh xã hội để chiến thắng Covid-19
Đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát dữ dội trên phạm vi toàn cầu. Với Việt Nam, hơn 3 tháng qua, toàn dân đã cùng Đảng, Nhà nước phòng chống dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Trong cuộc chiến đó, rất nhiều biện pháp quyết liệt đã được Chính phủ đưa ra, kể cả phải hy sinh những lợi ích kinh tế trước mắt để ngăn chặn, dập dịch vì tính mạng con người là trên hết. Trong những biện pháp khẩn trương, quyết liệt đó, có những biện pháp có thể nói là chưa từng có tiền lệ, không thể không ảnh hưởng tới đời sống kinh tế-xã hội, không thể không làm.
Nhiều hoạt động quyên góp nhằm giúp đỡ người nghèo trước dịch Covid-19.
Tới nay, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là rất rõ rệt, với việc hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới cuộc sống của người lao động làm công ăn lương bị ảnh hưởng lớn. Cùng đó, là đội ngũ những người lao động tự do, lao động giản đơn, kinh doanh nhỏ… cũng thiếu hụt nguồn thu. Họ chính là những người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất, bị đe dọa nhất khi tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài.
Trong tình thế đó, an sinh xã hội nổi lên cực kỳ hệ trọng. Hàng loạt gói hỗ trợ bao gồm hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ cho vay lãi suất 0 đồng lớn chưa từng thấy đã được Chính phủ đưa ra và triển khai trong thời gian tới. Tổng gói hỗ trợ này từ ngân sách nhà nước lên tới hơn 61.500 tỉ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ, trong khi sản xuất kinh doanh, xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn. Chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta trước mắt phải lo cuộc sống cho nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu. Thủ tướng yêu cầu phải hỗ trợ cho đủ 5 nhóm đối tượng: Người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc. Nguyên tắc đặt ra là chỉ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, không bỏ sót đối tượng và cũng không được để lợi dụng chính sách để hỗ trợ tràn lan.
Cũng trong thời điểm cao điểm của dịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài chung sức chung lòng để chiến thắng dịch Covid-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi, trong tình thế đó, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!
Trước đó, ngày 17/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19; thời gian tổ chức vận động quyên góp dự kiến là 45 ngày, kể từ ngày Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra Lời kêu gọi, từ ngày 17/3 đến ngày 30/4/2020. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ đó tới nay, nhiều bộ ban nghành, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài… đã nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ với Mặt trận Trung ương, Mặt trận các địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc, với mục đích cuối cùng là vì dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong giai đoạn khó khăn này.
Tới nay, cùng với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc dập dịch và chăm lo cho đời sống người lao động, đời sống nhân dân. Tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối, biện pháp của Đảng, Nhà nước, toàn dân đồng cam cộng khổ trong cuộc chiến dập dịch; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch đi qua.
Trong những ngày này, thật cảm động khi nhiều doanh nghiệp cho dẫu khó khăn vẫn không sa thải người lao động, mà tìm những cách linh hoạt để duy trì sản xuất và đặc biệt là bảo đảm ở mức cần thiết cuộc sống của người lao động. Cả hệ thống ngân hàng vào cuộc bằng cách hạ lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ; tạo điều kiện tối đa cho vay vốn. Cũng trong những ngày này, xuất hiện rất nhiều việc làm đẹp của các cá nhân trong tình nghĩa đồng bào. Lá lành đùm lá rách, tinh thần tương thân tương ái được phát huy cao độ. Có những cụ già hơn 80 tuổi sức đã yếu vẫn nhờ con cháu đưa tới ủy ban xã để đóng góp chia sẻ khó khăn cho người nghèo. Có những em bé nhịn ăn sáng, lấy tiền mừng tuổi Tết của mình đi ủng hộ. Có những nhóm bạn trẻ quyên góp quần áo, lương thực thực phẩm phát miễn phí cho những người cần đến… Tất cả những hành động đẹp đẽ, cao quý đó thật đáng trân trọng.
Một lần nữa, trong khó khăn, tình nghĩa đồng bào, ý thức công dân của mỗi người Việt Nam yêu nước lại bừng sáng. An sinh xã hội là để đất nước có thêm sức mạnh trong cuộc chiến đấu gian nan, phức tạp này. Cùng với Đảng, Nhà nước, toàn dân đồng lòng chống dịch. Với tinh thần đoàn kết gắn bó đó, an sinh xã hội cũng chính là để thực hiện mục tiêu chống đại dịch Covid-19; là để chiến thắng đại dịch!