Hướng tới nền kinh tế số, Chính phủ số

H.Vũ (thực hiện) 06/04/2020 08:00

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhiều cơ quan đã cho người lao động làm việc tại nhà. Lại một lần nữa vấn đề nền kinh tế số, Chính phủ số được đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Trao đổi với ĐĐK, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS cho rằng, cần quan tâm đến 3 trụ cột lớn để phát triển kinh tế số, Chính phủ số.

Hướng tới nền kinh tế số, Chính phủ số

Ông Nguyễn Quang Đồng.

PV:Gần đây khi dịch Covid-19 xảy ra và nhất là từ khi có Chỉ thị của Thủ tướng, nhiều cơ quan đã cho một bộ phận người lao động làm việc tại nhà. Ông có cho rằng, đây chính là lúc để chúng ta đẩy nhanh tiến trình nền kinh tế số?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Đây là một định hướng lớn, nhưng không dễ chuyển đổi được ngay vì phải mất một thời gian. Nhưng theo tôi đây cũng là dịp để các ngành tiếp xúc gần hơn với kinh tế số. Thúc đẩy kinh tế số là vấn đề đã được đặt ra song quá trình chuyển đổi mất rất nhiều thời gian chứ không thể trong ngắn hạn. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người lao động được cơ quan cho làm việc ở nhà. Tuy nhiên làm việc ở nhà chỉ là một phần nhỏ trong giao tiếp, còn kinh tế số rộng lớn hơn, với các hình thức như: Giao dịch điện tử, cung cấp các dịch vụ từ xa, y tế từ xa, phẫu thuật từ xa. Cho nên chúng ta cần nhiều thời gian để chuẩn bị chứ không phải chuyển ngay sang được kinh tế số. Có thể từ dịch Covid-19 sẽ giúp chúng ta có thể thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, nhưng trước mắt chúng ta cần giải quyết vấn đề hạ tầng vì nếu chất lượng đường truyền kém sẽ khó phát triển được kinh tế số. Như trong những ngày vừa qua, việc họp trực tuyến, hay học sinh học online đang gặp rất nhiều khó khăn do đường truyền kém.

Lâu nay chúng ta đặt ra vấn đề nền kinh tế số và Chính phủ số. Vậy để tiến trình này thúc đẩy nhanh hơn nữa, theo ông, chúng ta cần có giải pháp nào?

- Chúng ta cần quan tâm đến nhiều vấn đề. Trước tiên là hạ tầng cho kinh tế số, hạ tầng về kết nối như 4G, 5G. Kinh tế bình thường cần hạ tầng là đường xá, thì kinh tế số quan trọng nhất là hạ tầng kết nối, hạ tầng kết nối giống như “cao tốc” cho kinh tế số vậy. Muốn làm gì cũng phải có kết nối, chứ mạng chập chờn, không ổn định thì khó để phát triển kinh tế số. Cho nên xu hướng phát triển thúc đẩy mạng 5G của chúng ta là hướng đi rất đúng, và cần triển khai có lộ trình. Và trước mắt, cần đảm bảo tốc độ kết nối mạng 4G đường truyền có chất lượng. Thứ hai là trụ cột thanh toán số phục vụ cho kinh tế số, tức là tiền điện tử, ví như Mobil money, rồi ngân hàng điện tử (E-banking). Thứ ba là con người về mặt kỹ năng phải đáp ứng được những kiến thức của tin học cơ bản, sử dụng thiết bị kết nối thông minh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Với 3 trụ cột như tôi đề cập ở trên, chúng ta mới phát triển được kinh tế số, và Chính phủ số.

Trong vấn đề Chính phủ điện tử, nếu như chúng ta đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công thì sẽ tránh việc tiếp xúc người dân với bộ máy công quyền góp phần giảm tham nhũng và minh bạch của bộ máy, thưa ông?

- Trong 4 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất quan tâm và đẩy mạnh vấn đề này. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 17 về phát triển Chính phủ điện tử. Hiện các thủ tục hành chính điện tử đã được một số ngành làm tương đối tốt như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Một số tỉnh cũng đẩy mạnh xu thế đô thị thông minh như TP Hồ Chí Minh. Chính phủ số có hai mặt, một là thủ tục hành chính, thứ hai là cung cấp liên quan đến quản trị, ra quyết định về mặt chính sách. Nghĩa là số hóa sẽ tạo ra phần dữ liệu, từ dữ liệu đó có thể ra quyết định để quản lý tốt hơn. Tôi nói ví dụ nếu chúng ta có hệ thống khai báo công dân và giám sát tốt thì chúng ta không phải đi chạy khắp nơi tìm kiếm xem có bao nhiêu người từng đến bệnh viện Bạch Mai trong lúc dịch bệnh. Hay như vào khách sạn, du khách phải khai báo điện tử, lúc đó chúng ta sẽ có toàn bộ dữ liệu về mặt du khách để giúp ích cho ngành du lịch hay các đô thị có thể tính toán được lượng khách thế này thì khu vực đó có bao nhiêu khách sạn là hợp lý, điện nước cung cấp thế nào? Rồi thiết kế giao thông ra sao? Đó chính là dữ liệu lớn để phục vụ cho việc ban hành các chính sách. Vì thế nếu đẩy nhanh Chính phủ điện tử sẽ giúp cho quá trình quản lý điều hành được tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)