Dự báo tăng trưởng trong khó khăn
Trong khi kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam gặp vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều dự báo phát triển được đưa ra, trong đó có những dự báo ảm đạm. Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam là một trong số ít các nước tiếp tục tăng trưởng trong bất cứ kịch bản dự báo kinh tế nào, dù rằng dự báo mức tăng trưởng có thể sẽ thấp đáng kể so với năm ngoái.
Trang bìa bản báo cáo “Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) trong thời thời kỳ Covid-19” của WB. Ảnh: WordBank.org.
Nhận định của WB trong một bản báo cáo nhan đề “Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) trong thời kỳ Covid-19” vừa công bố, cho thấy trong khi dịch Covid-19 hoành hành làm điều đứng nền kinh tế phạm vi toàn cầu, thì vẫn có một số quốc gia giữ được mức tăng trưởng, trong đó có Việt Nam. WB đã đưa ra nhiều kịch bản mang tính dự báo.
Vẫn tăng trưởng kể cả trong “kịch bản tồi tệ nhất”
Kịch bản xấu nhất của dịch Covid-19 mà WB đưa ra, thế giới có thể chứng kiến cú suy giảm kinh tế dữ dội nhất trong hơn hai thập kỷ, khiến phần lớn châu Á rơi vào cơn suy thoái kéo dài. Khu vực EAP được WB nhận xét bao gồm các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor, Philippines, Indonesia, Malayasia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và các quốc đảo Thái Bình Dương.
Theo đó, tăng trưởng khu vực EAP có thể chậm lại về mức 2,1% vào năm 2020, so với mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2019. Tuy nhiên, trong kịch bản dự báo tồi tệ nhất, nền kinh tế khu vực này có thể về mức âm 0,5%. Với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lớn nhất khu vực EAP là Trung Quốc, theo WB, có thể sẽ chứng kiến tăng trưởng suy giảm về mức 2,3%. Trong kịch bản xấu nhất, tăng trưởng của nước này gần như đứng yên, chỉ ở mức 0,1%, giảm mạnh so với mức 6,1% vào năm 2019.
Báo cáo của WB có đoạn: “Tổn thất kinh tế nghiêm trọng dường như không thể tránh khỏi đối với tất cả các nước ở khu vực EAP và rủi ro bất ổn tài chính đặc biệt cao ở những nước có mức nợ quá lớn”. Tuy nhiên, WB cho rằng, dù trong kịch bản “tồi tệ” nhất thì Việt Nam, Lào, Campuchia, Mông Cổ và Myanmar là một trong số ít các nước tiếp tục tăng trưởng, dù “chắc chắn” thấp hơn năm trước.
Báo cáo của WB tương ứng với khảo sát được Tổ chức Nghiên cứu Dalia (Dalia Research) công bố ngày 30/3, rằng 62% người Việt Nam cho rằng Chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp. Kết quả khảo sát dựa trên đánh giá của khoảng 32.631 người ở 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trải khắp các lục địa trên thế giới được lấy ý kiến. Kết quả cho thấy, gần một nửa số người được hỏi (43%) nói rằng Chính phủ của họ đã hành động quá ít trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo xếp hạng của Dalia, Việt Nam là quốc gia mà người dân có độ hài lòng cao nhất thế giới (62%) về phản ứng của Chính phủ đối với dịch bệnh, đứng thứ 2 là Argentina (61%), tiếp đến là Singapore (57%).
Những dự báo khác: Vẫn tăng trưởng
Trong một diễn biến khác, Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách ứng phó. Theo đó, căn cứ số lượng ca nhiễm, số lượng người phải cách ly ở Việt Nam đến ngày 27/3, nhóm nghiên cứu của ĐH Kinh tế quốc dân đã sử dụng 3 mô hình định lượng, đưa ra 3 kịch bản diễn biến dịch Covid-19 thời gian tới.
Đó là đại dịch kéo dài đến cuối tháng 4, đến cuối tháng 5 và đến cuối tháng 6/2020. Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly, nhóm nghiên cứu dự báo GDP quý 2 năm nay chỉ tăng được khoảng 2% so với quý 2 năm 2019, chỉ số VnIndex giảm khoảng 28%, xuất khẩu giảm khoảng 25%. Từ quý 3, nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi.
Nhóm nghiên cứu cũng dự báo tác động của dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế. Theo kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 4, các lĩnh vực thương mại hàng hóa suy giảm 20-30%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trên 25%; du lịch, khách sạn suy giảm 15-20% khách nội địa và quốc tế, giảm doanh thu 20%, việc làm giảm 15-20%; nông nghiệp suy giảm 2,8-27,4% theo từng mặt hàng; bất động sản suy giảm mảng cho thuê, nghỉ dưỡng.
Với kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 6, thương mại hàng hóa suy giảm 30-40%; dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng 25-40%; dịch vụ vận tải, logistics suy giảm 20-30%; ngành du lịch dịch vụ khách sạn giảm 30-40% khách nội địa và quốc tế, doanh thu giảm 40%, việc làm giảm 30-40%; nông nghiệp, bất động sản cùng suy giảm.
Kết quả khảo sát ý kiến 510 doanh nghiệp (DN) của nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận đến cuối tháng 3/2020, có khoảng 65,5% DN thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, 35,3% DN phải cắt giảm lao động, 34% DN phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% DN đã phải cho lao động nghỉ việc không lương. Đồng thời, 44,7% DN cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, 34,7% DN lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% DN thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Từ đó, các DN kỳ vọng Chính phủ tập trung nhiều giải pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Thực hiện giảm thuế, miễn thuế, chi phí thuê mặt bằng thay vì chỉ là giãn, tạm hoãn. Nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ đã ban hành và có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, ngừng các hoạt động thanh tra kiểm tra trong thời gian này, ổn định lạm phát.
Trước đó, cuối tháng 3/2020, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2020, dựa trên ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 khiến tăng trưởng GDP quý I/2020 của nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức 3,82%; từ đó mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt mức trên 5%. Đây được coi là mức tăng trưởng thành công (mục tiêu đặt ra là 6,8%).
Tổng cục Thống kê cũng cập nhật 2 kịch bản khác được xây dựng dựa trên những dự báo về dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý 2 và hết quý 3/2020.
Với kịch bản 1, dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý 2, tăng trưởng GDP cả năm được dự báo ở mức trên 5%. Kịch bản 2, dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý 3, tăng trưởng GDP cả năm vẫn được dự báo ở mức trên 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, với các kịch bản tăng trưởng này, có 5 động lực chính giúp Việt Nam đạt được kết quả trên. Đầu tiên là động lực từ thể chế, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Hai là, khi giải ngân được vốn đầu tư công sẽ kéo theo vốn đầu tư ngoài nhà nước và FDI giải ngân tiếp. Ba là nâng cao năng suất lao động. Đây là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế bởi năng suất lao động nếu tăng được 1% thì làm GDP toàn nền kinh tế tăng 0,94%.
2 động lực còn lại là, tiêu dùng của hộ dân cư là động lực rất tốt cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đô thị và nhóm động lực tổng hợp được triển khai ngay trong các quý còn lại của năm 2020.
Như vậy, cả các dự báo từ bên ngoài lẫn bên trong, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, cho dù trước mắt phải đối phó quyết liệt với đại dịch Covid-19.