Hành trình đỏ
Hôm nay, 7/4, tròn 20 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Trong bức thư gửi tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gọi đó là nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái, tính nhân văn sâu sắc.
Hơn 20 năm trước, phong trào hiến máu nhân đạo được bắt đầu, khởi nguồn từ 13 sinh viên dưới sự kêu gọi của GS.TS Đỗ Trung Phấn, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Vài năm sau đó, ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.
20 năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp cả nước với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, với sự tham gia tích cực của các tổ chức, các cá nhân. Những lễ hội Xuân hồng, những ngày chủ nhật tươi hồng, những hành trình đỏ… đã kiên trì diễn ra đều đặn trên khắp cả nước. Những câu nói đã trở thành quen thuộc như “Mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại” có lẽ đã không còn là khẩu hiệu nữa.
Trong số những người có đóng góp quan trọng để hình thành và phát triển phong trào hiến máu nhân đạo, ngoài GS.TS Đỗ Trung Phấn, còn phải kể đến GS.TS Nguyễn Anh Trí - người cũng từng giữ cương vị Viện trưởng Viện Huyết học -Truyền máu trung ương, người được ví như “kiến trúc sư trưởng” của ngành huyết học - truyền máu. Và TS.BS Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa Vận động và tổ chức hiến máu (Viện Huyết học -Truyền máu trung ương) - một “thủ lĩnh” của phong trào vận động hiến máu...
Người ta đếm được rằng trong hơn 20 năm qua, bác sĩ Quân đã gần 40 lần hiến máu cứu người, vận động hàng nghìn lượt người tham gia hiến máu, tham gia xây dựng các chương trình hiến máu nổi tiếng cả nước như Lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ, Giọt hồng yêu thương, Trái tim mùa thu… Bác sĩ Ngô Mạnh Quân chính là 1 trong số 13 sinh viên đầu tiên tham gia hiến máu tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo sư Đỗ Trung Phấn. Nhóm 13 sinh viên ngày ấy đã thành lập nhóm “sinh viên hoạt động nhân đạo” để tuyên truyền thay đổi nhận thức trong cộng đồng về hiến máu cứu người. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp ĐH Y, bác sĩ Quân và một số sinh viên y khoa trong nhóm về công tác tại Viện Huyết học -Truyền máu trung ương và bắt đầu xây dựng được phong trào hiến máu lan rộng trong tầng lớp sinh viên. Ban đầu chỉ là sinh viên ĐH Y và ĐH Sư phạm, dần lan tỏa đến nhiều trường với nhiều sinh viên tham gia.
Từ 13 sinh viên đầu tiên, 20 năm qua, hàng chục nghìn lượt người đã tham gia phong trào hiến máu nhân đạo. Có những tấm gương cả 3 thế hệ trong một gia đình hiến máu, có những nơi cả dòng họ cùng hiến máu nhân đạo, có những người nghèo bình dị vẫn tham gia hiến máu… Tôi biết chắc chắn có những người đồng nghiệp làm báo đều đặn một năm mấy lần đi hiến máu, lặng lẽ, âm thầm không khoe khoang bao giờ.
20 năm qua, nòng cốt của phong trào hiến máu tình nguyện vẫn là tuổi trẻ. Sinh viên các trường đại học đã tham gia rất tích cực trong phong trào này. Nếu như trước đây việc thiếu máu để cấp cứu điều trị ở các vùng sâu, vùng xa luôn là vấn đề thì nhờ phong trào này, tình trạng đó đã có nhiều chuyển biến. Đó là nhờ ở việc xây dựng được phong trào hiến máu trong toàn dân – những “ngân hàng máu sống”. Ý tưởng về một “ngân hàng máu sống” cho các huyện đảo được GS Nguyễn Anh Trí đề xuất và đảo Cồn Cỏ trở thành huyện đảo đầu tiên xây dựng được “ngân hàng máu sống” gồm khoảng hơn 10 người có đủ sức khỏe và sẵn sàng hiến máu khi bệnh viện cần.
Trong bức thư gửi đồng bào nhân ngày hiến máu nhân đạo năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những tấm gương của phong trào hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc “vẫn còn nhiều nơi, nhiều thời điểm ở các bệnh viện vẫn còn nhiều trường hợp người bệnh phải chờ máu hoặc không đủ máu và sản phẩm từ máu để truyền”.
Có lẽ đây là những ngày để mỗi chúng ta cảm nhận rõ ràng nhất về sức khỏe và bệnh tật, về tình thương yêu, về tinh thần vì mọi người. Một đất nước chỉ thoát khỏi đại dịch, cả thế giới chỉ thoát khỏi đại dịch khi đoàn kết và hành động vì lợi ích chung.
Hiến máu nhân đạo là việc làm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc; vừa là nét đẹp trong truyền thống tương thân tương ái tự ngàn đời nay của dân tộc, vừa là biểu hiện của tinh thần vì mọi người của đời sống hiện đại. Hiến máu là đem thứ tài sản quý giá của cuộc đời mình để sẻ chia cho những người khác. Hiến máu giờ đây không còn chỉ là việc làm mang ý nghĩa từ thiện đơn lẻ, nó trở thành phong trào và nó là một ứng xử cần phải có của con người trong đời sống xã hội văn minh. Hiến máu về mặt khoa học là việc làm hoàn toàn không gây tác hại đối với người cho đi, trong khi hành động ấy mang ý nghĩa rất lớn trong điều trị y học.
Mỗi một giọt máu được trao tặng, không phải chỉ một cuộc đời ở lại, mà lớn hơn thế khi hiến máu nhân đạo đã trở thành một phong trào rộng khắp, lan tỏa thì đóng góp vào việc hình thành một xã hội tử tế.