Liên hợp quốc đang cạn tiền
Các dự báo về tài chính cho thấy Liên hợp quốc (LHQ) có thể thiếu tới 2 tỷ USD kinh phí hoạt động trong năm 2020 cũng như mỗi năm sau. Điều này đang khiến những thành viên của cơ quan được ví với “đầu não thế giới” lo ngại các hoạt động thường niên sẽ bị cắt giảm tới mức cao nhất.
Trụ sở Liên hợp quốc.
Nhiều nước cùng nợ
Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, những nguyên nhân khiến cơ quan này cạn tiền là do các quốc gia thành viên ngày càng đóng góp ít đi cho hoạt động ngân sách thường xuyên.
Đây không phải đến thời điểm này mà cơ quan được coi là đầu não quốc tế mới rơi vào tình trạng khánh kiệt. Hồi cuối năm 2019, ông Guterres đã đề nghị các quốc gia thành viên tăng cường đóng góp cho LHQ để giải quyết những vấn đề về dòng tiền. Tuy nhiên các quốc gia thành viên từ chối.
Điều 17 trong Điều lệ LHQ quy định mỗi quốc gia thành viên có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách thường xuyên của LHQ. Ủy ban Đóng góp được giao nhiệm vụ quyết định số tiền mỗi nước chi cho tổ chức này. Để xác định số tiền, Ủy ban này căn cứ vào chỉ số tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của một quốc gia thành viên so với toàn cầu. Số tiền phải đóng góp sẽ được giảm nếu nước đó có thu nhập bình quân đầu người thấp và nợ nước ngoài cao. Các đánh giá tương tự cũng được thực hiện với các tổ chức khác của LHQ, bao gồm hoạt động gìn giữ hòa bình.
Đại hội đồng chỉ định rằng tỷ lệ đóng góp dao động từ mức tối thiểu là 0,001% đến tối đa là 22%. LHQ đặt ra mức tối đa này nhằm để tổ chức không quá phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia thành viên nào. Mức tối đa đối với các nước được coi là “kém phát triển nhất” là 0,01%. Số liệu để đánh giá thường được xem xét lại ba năm một lần.
Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất với tỷ lệ 22%. GNP của Mỹ bằng khoảng 27% tổng GNP của tất cả các nước thành viên LHQ, do đó phần đóng góp cao nhất của họ là hợp lý. Nhật Bản đứng thứ hai với 9,68%, tiếp theo là Trung Quốc (7,921%), Đức (6,389%), Pháp (4,859%) và Anh (4,463%).
Điều đáng nói là hơn 80% các quốc gia thành viên không đóng góp cho LHQ đúng hạn hoặc đầy đủ. Theo giới chức LHQ, Mỹ đang nợ 852 triệu USD. Theo sau trong danh sách các quốc gia chưa đóng góp đủ là Brazil, Nhật Bản, Venezuela, Saudi Arabia và Argentina.
Phụ thuộc vào “đặc quyền của Mỹ”
Một số ý kiến cho rằng khoản đóng góp lớn cho LHQ là gánh nặng không hợp lý đối với Mỹ. Tuy Mỹ được hưởng đặc quyền là thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng Mỹ chia sẻ đặc quyền đó với 4 thành viên thường trực khác là Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp (tổng số đóng góp của họ cho LHQ là 18,35% ngân sách thường xuyên, ít hơn mức 22% của Mỹ).
Trong Đại hội đồng LHQ, khoản đóng góp lớn của Mỹ cũng không đồng nghĩa với việc ý kiến của họ được nhiều bên đồng tình. Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, vào năm 2012, trong số tất cả nghị quyết của Đại hội đồng LHQ được đưa ra bỏ phiếu, chưa đến một nửa số quốc gia thành viên (42,5%) đồng tình với quan điểm của Mỹ trong những vấn đề mà Bộ này coi là quan trọng.
Theo các chuyên gia, những lợi ích Mỹ có được trong kinh tế và chiến lược toàn cầu, đó là một mức giá nhỏ. LHQ đã mua hàng hoá và dịch vụ của Mỹ, thuê lao động Mỹ và làm lợi cho các doanh nghiệp tại thành phố New York (nơi đặt trụ sở LHQ).
Một nghiên cứu của LHQ cho thấy với mỗi một USD đầu tư vào LHQ, Mỹ sẽ nhận lại 1,5 USD. Chương trình Phát triển LHQ còn đang làm việc với hơn 1.800 nhà cung cấp ở Mỹ. Ngoài ra, các hoạt động gìn giữ hoà bình, các cơ quan LHQ và việc sửa sang trụ sở LHQ đã thêm khoảng 3,5 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.
Tổng số tiền đóng góp của Mỹ với LHQ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong ngân sách hàng năm của nước này. Nhìn chung, chỉ 1,4% ngân sách liên bang được dành cho viện trợ nước ngoài, bao gồm cả đóng góp cho LHQ.
“Nếu Mỹ không đóng góp đúng và đủ sẽ làm tê liệt các chương trình của LHQ mà Mỹ đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc và cũng mang về những lợi ích quốc gia không nhỏ cho Washington”- một kết luận của Viện Nghiên cứu quốc tế tại Australia khẳng định.