Hàng hóa qua cửa khẩu Lạng Sơn: Vẫn tiếp tục khó khăn
Tính từ thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành cho tới tuần đầu tháng 4/2020 đến nay đã gần 3 tháng. Theo Bộ Công thương, trong vòng 3 tháng qua, lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đã bị chậm tiến độ hơn rất nhiều so với cùng kỳ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tình hình thông quan hàng hóa trở nên khó khăn hơn khi mới đây Trung Quốc tiếp tục có những động thái siết nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, để đề phòng dịch bệnh.
Các xe container nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn. Nguồn: Bộ Công thương.
Xuất hiện tình trạng ùn ứ
Tính đến thời điểm này, lượng xe hàng hóa được thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc chỉ đạt khoảng trên 80.000 xe. Cụ thể, tính đến hết ngày 5/4, tổng số xe lũy kế từ đầu dịch Covid-19 (tháng 2) tại các tỉnh giáp Trung Quốc là: 44.184 xe xuất khẩu, 37.399 xe nhập khẩu. Lượng xe hàng hóa bị tồn tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn còn tới hơn 1.000 xe.
Thời gian qua, nhà quản lý đã vào cuộc rất mạnh mẽ nhằm thúc đẩy thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các tỉnh biên giới phía Bắc đã được “thoáng” hơn. Tuy nhiên, gần đây, phía Trung Quốc lại có động thái siết chặt, tăng cường quản lý dịch bệnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy. Cụ thể, phía Trung Quốc sẽ thực hiện nghiêm “10 biện pháp” phòng dịch từ nước ngoài tại các xóm, thôn, xã biên giới, tăng cường kiểm tra toàn diện đối với người nhập cảnh, kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào khu vực biên giới; tạm dừng vận tải hành khách qua biên giới đối với các tuyến vận tải khách quốc tế đường bộ và đường thuỷ; tạm dừng thông hành lữ hành cửa khẩu… Đồng thời thực hiện quản lý nghiêm cửa khẩu và các đường mòn biên giới.
Ngoài cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Bằng Tường), cửa khẩu Đông Hưng (Đông Hưng), các cửa khẩu (lối mở) khác gồm cửa khẩu đường sắt Bằng Tường, cửa khẩu Thuỷ Khẩu (huyện Long Châu), cửa khẩu Ái Điểm (huyện Ninh Minh), cửa khẩu Động Trung (Khu Phòng Thành), lối mở Pò Chài và lối mở Lũng Vài (Bằng Tường), cầu phao tạm km3+4 (Đông Hưng), lối mở Nà Ráy (Tịnh Tây)- phía Trung Quốc sẽ chỉ duy trì chức năng thông quan hàng hoá; tạm thời đóng các cửa khẩu, lối mở khác. Phía Trung Quốc cũng thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới… thúc đẩy sử dụng “mã QR sức khoẻ Quảng Tây”; thực hiện quét mã QR, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang khi ra vào khu (điểm) chợ biên giới…
Trong một động thái khác, chính quyền nhân dân Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) vừa có thông báo giãn thời gian làm việc tại cặp chợ biên giới tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể, kể từ ngày 7/4, phía Trung Quốc sẽ bố trí thời gian làm việc 5 giờ/ngày; thứ 7, Chủ nhật nghỉ. Tuy nhiên, phía Bằng Tường mới thông báo áp dụng đối với các cặp chợ biên giới còn chưa có thông báo áp dụng chính sách này đối với cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế.
Cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch
Để tạo điều kiện cho hoạt động thông quan hàng hoá, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã chủ động thông báo đến các doanh nghiệp (DN) nắm được để có kế hoạch đưa hàng về cửa khẩu. Đồng thời, Hải quan Lạng Sơn yêu cầu các đơn vị hải quan cửa khẩu vẫn bố trí cán bộ công chức trực hỗ trợ, tiếp nhận, làm thủ tục và thông quan cho hàng hoá của DN.
Như vậy, hoạt động thông quan hàng hoá xuất khẩu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn trong tháng 4 và thời gian tới có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn, do sự kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của phía Trung Quốc. Trước tình hình đó, giới chuyên gia khuyến cáo, DN, thương nhân xuất khẩu nông sản cần thường xuyên cập nhật các thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn để chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hoá, tính toán phương án vận chuyển hàng lên cửa khẩu, xuất nhập hàng hóa hợp lý để giảm thiểu thiệt hại.
Ông Vũ Vinh Phú- chuyên gia kinh tế cho rằng, DN cần giảm dần việc xuất khẩu tiểu ngạch biên giới chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch để tránh rủi ro. “Thời gian qua, mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch giúp DN giảm chi phí nhưng đây lại là hình thức xuất khẩu phát sinh nhiều rủi ro nhất. Tình trạng tồn ứ nông sản bao năm qua là minh chứng cụ thể”- ông Phú nhấn mạnh.