Chống 'virus diễn biến hòa bình': Trong cơn hoạn nạn càng thấu hiểu lòng dân
Đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, hoành hành, mỗi ngày tước đoạt sinh mạng hàng ngàn người trên thế giới, làm chao đảo đời sống và trật tự kinh tế - xã hội toàn cầu. Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang chứng tỏ được hiệu quả mang lại từ các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 bùng phát.
Người dân thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội)thực hiện cách ly ngăn chặn Covid-19 (ảnh chụp ngày 8/4). Ảnh: Quang Vinh.
Dù phía trước còn rất cam go, phức tạp khó lường, nhưng phẩm giá cao đẹp của con người Việt Nam được khẳng định, được khơi dậy mạnh mẽ trong công cuộc phòng chống đại dịch. Khi đất nước gặp gian khó cũng là lúc minh thị lòng dân rõ nhất. Hầu hết các tầng lớp nhân dân cùng cả hệ thống chính trị đang chung lòng chung sức đương đầu với virus quái ác gây nên đại dịch. Điều đáng nói là trong những tháng ngày lịch sử này, thực tiễn lòng dân cũng đã khiến mầm bệnh “virus diễn biến hòa bình” trở nên lạc lõng giữa vòng xoáy nhân sinh, thời cuộc. Những mầm xấu xuất hiện rất khiên cưỡng, đã tự phơi bày tính chất cơ hội, trái ngang, sẽ bị đào thải khi đi ngược với lòng dân và lợi ích quốc gia dân tộc.
Cho dù thành công bước đầu nhưng đất nước vẫn đang trải qua những tháng ngày đầy cam go, thách thức bởi cơn đại dịch Covid-19. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận đã nỗ lực, đoàn kết, phối hợp triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, với mục tiêu vừa ngăn chặn hiệu quả tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Trước diễn biến đại dịch hết sức khó khăn, phức tạp và khó lường, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covd-19. Lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đựơc đưa ra trong bối cảnh công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid -19 đang ở giai đoạn quyết liệt, rất cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Lời hiệu triệu ấy vừa kêu gọi, động viên, khuyến khích, vừa chỉ đạo toàn dân và cả hệ thống chính trị hành động. Đất nước đang giữa thời bình nhưng đại dịch đầy hiểm nguy, đòi hỏi sự vang lên tiếng trống trận tập hợp mọi tầng lớp nhân dân vào một cuộc chiến đấu chưa có tiền lệ, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp của Chính phủ; tiếp tục hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình, tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Mỗi người dân được xem như một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh. Cuộc chiến chống đại dịch khác hẳn với thế chiến bình thường do đặc điểm lan truyền khủng khiếp của virus độc hại. Công cuộc phòng chống dịch bệnh cũng đang cho thấy lòng yêu nước thương nòi của người Việt với sự hy sinh cao cả luôn xuất hiện khi đất nước gặp nguy nan, một người vì mọi người, muôn người vì một người bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố dịch Covid-19 toàn quốc. Và liên tiếp có các Chỉ thị số 15, 16 đưa ra những mệnh lệnh, yêu cầu người dân thực hiện những biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp phiên bất thường để cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ủng hộ Chính phủ thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch và ổn định sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân. Các chính sách của Nhà nước tiếp tế nguồn lực cho nhân dân, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng xã hội, tiếp tục khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái, phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam trong công cuộc ứng phó đại dịch Covid-19. Những diễn biến khẩn trương và quyết liệt cho thấy việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 hệ trọng đến mức nào. Cuộc sống có thể bị đảo lộn, kinh tế bị suy giảm và thậm chí có thể bị suy thoái, nhưng mục tiêu cao cả được đặt lên trên hết là tính mạng và sức khỏe người dân. Chính sức khỏe nhân dân là nguồn lực vĩ đại nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, chưa bao giờ nội hàm của khái niệm “hệ thống chính trị” lại được biểu thị một cách sinh động, cụ thể và phổ quát, dễ hiểu đến đời sống xã hội như trong những tháng ngày chống đại dịch Covid-19 lịch sử này. Đó là sự vào cuộc khẩn trương, nhiệt tâm và trách nhiệm của các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở vì mục tiêu tối thượng bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Mối quan tâm thường trực từng giờ của mỗi người dân là tình hình dịch bệnh lây lan được ngăn chặn như thế nào. Cùng với đó là con số người được chữa khỏi bệnh, cuộc sống của hàng chục ngàn người ở các khu cách ly tập trung trên cả nước được chăm sóc chu đáo bao nhiêu. Những khó khăn trong đời sống của các tầng lớp nhân dân phải gánh chịu do tác động dịch bệnh gây ra đang được chính quyền và Mặt trận các cấp chung tay hỗ trợ tích cực, thiết thực đến đâu. Đây là lúc khó khăn mà lòng yêu thương con người, nghĩa đồng bào được chứng tỏ một cách minh bạch nhất. Người dân bày tỏ tình cảm yêu mến, biết ơn những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, những tấm lòng hảo tâm đóng góp vật chất lẫn tinh thần ủng hộ cho công tác chống dịch bệnh Covid-19 ở khắp nơi.
Công cuộc đương đầu với đại dịch bệnh cho thấy sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm dâng cao của toàn dân tộc. Thế nhưng, trên mạng xã hội vẫn có hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để tung những tin đồn thất thiệt. Sự xuyên tạc, bóp méo, với động cơ phũ nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của đại đa số nhân dân trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, đã gây phản cảm trong tâm trạng chung của toàn xã hội. Ai cũng thấy, bên cạnh ý thức công dân thì đạo lý dân tộc, tình nghĩa đồng bào đang được chứng minh trong cơn đại dịch này. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam vẫn đang được viết tiếp trong cuộc vật lộn với cơn đại dịch Covid-19. Lòng yêu nước sẵn có trong mỗi con người Việt Nam được ví như từng đốm lửa thường trực trong cuộc sống đời thường. Nay trước khó khăn, thách thức bởi cơn đại dịch lịch sử, lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước và các biện pháp quyết liệt “thấu tình đạt lý” của Chính phủ không có gì ngoài mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vì sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Trong lúc này càng dễ nhận thấy những đốm lửa yêu nước của mỗi người dân kết thành biển lửa bùng cháy niềm tin và hy vọng đất nước sẽ sớm ngăn chặn thành công, thiêu đốt cơn đại dịch. Sự thật đang hiển hiện một cách sinh động trong tâm tư, tình cảm và hành động của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 dù khó khăn, phức tạp và khó lường còn ở phía trước.
Trong bối cảnh ấy, những tiếng nói, hành động cá biệt mang thành kiến lạc lỏng, thiếu tính xây dựng và thiếu cơ sở thuyết phục - những “virus diễn biến hòa bình” trái khoáy - không vì mục tiêu chung của đất nước cũng sẽ bị thiêu lụi trong bể lửa của lòng dân.