Linh hoạt dịch vụ 'đi chợ hộ'

Hải Nhi 09/04/2020 08:00

“Hot trend” là từ được dùng để nói về một xu hướng gì đó đang thịnh hành và được nhiều người quan tâm trong một khoảng thời gian nhất định. Vào thời điểm này dịch vụ “đi chợ hộ” cũng đang trở thành hot trend trong “bão” Covid-19, nhất là ở các thành phố lớn.

Linh hoạt dịch vụ 'đi chợ hộ'

Dịch vụ “đi chợ hộ” giao hàng tận nhà mùa Covid. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Hà Nội, khoảng 2 tuần nay, dịch vụ “đi chợ hộ” được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi “lệnh” giãn cách xã hội của chính quyền TP trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid -19. Chị Hoàng Thuý Lan, một nhân viên văn phòng sống tại quận Đống Đa thường tìm đến các kênh mua sắm trực tuyến, thanh toán qua hình thức chuyển qua tài khoản ngân hàng, sau đó nhận hàng ngay tại nhà. Chị Lan cho biết: Hiện có khoảng 10 trang web bán hàng trực tuyến khá uy tín. Trên các ứng dụng đó, khách hàng có thể mua được các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, hải sản... Bằng hình thức này, nhiều ngày qua tôi không phải ra ngoài đi chợ mà vẫn có được những sản phẩm mình muốn.

Ở nhà “trốn” dịch, vào FB thấy đồng nghiệp đua nhau lên mạng đi chợ online, lúc đầu anh Phạm Hữu Tuấn (quận Ba Đình) còn băn khoăn bởi anh đã quen đi chợ tự tay lựa chọn những mặt hàng tươi sống. Theo anh mua trên mạng “không biết đường nào mà lần”. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh hạn chế ra ngoài, qua vài lần thử đi chợ online qua dịch vụ “đi chợ hộ” của Vinmart, anh cũng yên tâm dần bởi sản phẩm nhận được đạt khoảng 80% mong muốn.

Để bắt kịp “trend”, ngoài các kênh bán hàng trực tuyến thì siêu thị Hà Nội cũng đang tăng cường dịch vụ “đi chợ hộ”. Ông Đỗ Quang Thuần - đại diện hệ thống siêu thị Vinmart tại Hà Nội, cho biết: Để phục vụ khách hàng tiện lợi và nhanh chóng trong mùa dịch, Vinmart ra mắt “đội quân đi chợ hộ” với các cách mua hàng linh hoạt tại 3 kênh: Qua điện thoại, qua app và qua website. “Khách hàng có thể đặt hàng qua điện thoại tại các siêu thị gần nhất, hoặc truy cập link để đi chợ Vinmart online ngay: https://id.vin/mWw; hoặc cũng có thể đặt hàng qua app VinID, chỉ cần chọn tính năng “đi chợ”. Vinmart cung cấp danh mục hơn 100 sản phẩm thiết yếu nhất và cập nhật các mặt hàng khuyến mại giảm giá”- ông Thuần thông tin.

Cũng theo ông Thuần, dù mới triển khai tại hơn 40 siêu thị ở Hà Nội, song lượng đơn đặt hàng tăng trưởng rất tốt trong thời điểm áp dụng cách ly xã hội.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng đã gửi đến khách hàng thông điệp “15 ngày không khó, đã có Lotte Mart lo”. Khách hàng có thể ngồi nhà đặt hàng qua tin nhắn, điện thoại, hoặc qua ứng dụng Speed L, nhân viên tại các chi nhánh ở Hà Nội sẽ hỗ trợ mua hàng và giao hàng tận nơi trong khoảng thời gian nhanh nhất. Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng tăng cường nhận đặt hàng, giao hàng qua điện thoại. Nhân viên siêu thị sẽ gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm hàng là thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu và hóa phẩm. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục và liên hệ siêu thị qua việc gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn… theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới nhà. Danh mục hàng hóa trong phiếu đặt hàng có thời gian sử dụng trong vòng 7 ngày từ ngày thứ 5 đến thứ 4 hàng tuần.

Đánh giá về sự bùng nổ của các dịch vụ trực tuyến trong thời gian này ông Mohit Agrawal- Giám đốc bộ phận “Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng” của Hãng nghiên cứu Nielsen cho rằng: Đây là xu hướng tất yếu và sẽ được duy trì trong dài hạn. Ứng dụng công nghệ là bước chuyển tự nhiên trong kinh doanh, Covid-19 chỉ thúc đẩy hoạt động này diễn ra sớm hơn..

“Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng chợ và siêu thị là những nơi dễ lây lan virus corona, đặc biệt là chợ truyền thống. Họ dành nhiều thời gian ở nhà, xem TV và lên mạng, do đó mua sắm online, giao hàng tận nhà được tận dụng tối đa”- ông Mohit Agrawal nói.

Thực tế, trong 500 người được Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel phối hợp khảo sát tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng mới đây, hơn 50% cho biết giảm tần suất đến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa. Tỷ lệ này đối với chợ truyền thống thậm chí lên đến hơn 60%. Đặc biệt, 45% đáp viên phản hồi rằng, họ tích trữ thức ăn ở nhà nhiều hơn.

Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, lượng đơn hàng ăn uống online được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ trong ngày đầu ghi nhận ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam, số đơn hàng online tại Saigon Co.op đã tăng gấp 10 lần. Đến nay, lượng khách mua sắm online và qua điện thoại tăng đột biến gấp 4-5 lần.

Như vậy, các dịch vụ mua hàng trực tuyến không chỉ được quan tâm trong một thời gian nhất định, mà nhìn rộng ra, thì đây là cơ hội của Hà Nội, nói như Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thì đây thời điểm, là cơ hội để thúc đẩy thương mại điện tử của Hà Nội tăng trưởng.

Trong lúc dịch Covid-19 bùng phát, kinh doanh trực tuyến rõ ràng có phần thách thức hơn phương thức truyền thống vì những giao dịch trên không gian mạng, do đó thay đổi tư duy và cách thức kinh doanh nhằm tạo lòng tin với khách hàng là điều doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm. Vấn đề cốt lõi vẫn là doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, chuyển tải thông tin hàng hóa kỹ lưỡng và bài bản tới khách hàng đi kèm dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp - theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Hải Nhi