Lợi bất cập hại

Lê Anh Đức 09/04/2020 08:00

Hiện tượng hàng nghìn người đổ về phà Tuần Mây (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) chen chúc nhau chờ qua sông làm dấy lên lo lắng lây lan virus SARS-VoV-2. Thực ra thì người dân “cực chẳng đã” đành “đánh liều” tụ về đây đi phà, bởi các tuyến đò ngang dân sinh đã bị thị xã Kinh Môn cấm hoạt động.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc hạn chế đi lại là điều nên làm. Song, với những người buộc phải ra đường thì cần có những biện pháp hợp lý, chứ không thể máy móc để rồi lợi bất cập hại.

Lợi bất cập hại

Hàng nghìn người đổ về phà Tuần Mây (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).

Khi chưa bị cấm hoạt động, có nhiều tuyến đò ngang dân sinh chạy song song với phà Tuần Mây (nối thị xã Kinh Môn với huyện Kim Thành), chuyên chở chủ yếu là người lao động tại các nhà máy trên địa bàn. Song, từ khi chính quyền địa phương dừng hoạt động các tuyến đò ngang, người dân buộc phải dồn về con phà duy nhất còn hoạt động để sang sông.

Việc tỉnh Hải Dương cấm các con đò ngang dân sinh hoạt động để phòng chống đại dịch Covid-19 chưa biết hiệu quả đến đâu, nhưng từ việc dừng hoạt động đò ngang đó đã khiến hàng nghìn người dân tập trung tại bến phà Tuần Mây dẫn tới khả năng lây nhiễm dịch bệnh hết sức nguy hiểm. Dư luận cho rằng, quyết định của tỉnh Hải Dương có vẻ chưa được hợp lý lắm, nếu không muốn nói là thực hiện máy móc Chỉ thị 16 của Chính phủ. Địa phương đã không lường trước được tình huống tập trung đông người này. Mục tiêu địa phương cấm đò ngang là để giãn cách xã hội, lại để tập trung hàng nghìn người thì đúng là “không còn gì để nói”.

Đáng tiếc, không chỉ có tỉnh Hải Dương mà có khá nhiều tỉnh thành khác cũng đang “mượn” Chỉ thị của Chính phủ để áp đặt “luật riêng” của địa phương mình. Đơn cử như TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam... ra văn bản bắt buộc cách ly và thu phí đối với những người đến từ TP Hà Nội và TP HCM. Nhiều luật sư cho rằng, quyết định cách ly bắt buộc có thu phí đối với người từ Hà Nội và TP HCM của các tỉnh, thành phố nói trên có dấu hiệu trái luật và lạm quyền, khi tự ý đặt ra những “luật riêng” của địa phương.

Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, một số ngành nghề vẫn được phép hoạt động trong bối cảnh giãn cách xã hội. Như vậy người làm những ngành nghề này có quyền đi lại trên toàn quốc để thực thi công vụ, giải quyết công việc. Sẽ ra sao nếu một người thực thi công vụ tới Hải Phòng, Đà Nẵng, hay Quảng Nam lập tức bị bắt đi cách ly tập trung có thu phí, thay vì đi xử lý công việc mà họ dự định đến địa phương đó để làm? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nói: Phóng viên các cơ quan truyền thông cũng là những chiến sĩ trên tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid-19. Vậy các nhà báo ở Hà Nội, TP HCM sẽ đưa tin, viết bài kiểu gì khi vừa tới Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam... lập tức bị đưa đi cách ly tập trung có thu phí?

Xét về khía cạnh pháp lý, các tỉnh, thành phố nói trên đang có dấu hiệu lạm quyền và làm trái quy định pháp luật. Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch trên toàn quốc, chứ không chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Do vậy, không thể căn cứ vào số lượng bệnh nhân ít hay nhiều để coi người ở Hà Nội và TP HCM là đến từ vùng có dịch. Thứ hai, việc yêu cầu cách ly đối với người từ tỉnh này đến tỉnh khác là thẩm quyền của Trung ương, nghĩa là thẩm quyền của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19.

Hiện, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống đại dịch Covid-19 chỉ mới yêu cầu cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào Việt Nam, chưa hề quy định bắt buộc cách ly đối với người đến từ Hà Nội và TP HCM. Theo đó, các địa phương không được phép đưa ra “luật riêng” yêu cầu cách ly đối với người đến từ Hà Nội, TP HCM, mà phải tuân theo chỉ đạo của Trung ương. Hơn nữa, ngay cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà Chính phủ còn chưa thu phí cách ly, hà cớ gì các tỉnh lại thu của đồng bào trong nước?

Việc các địa phương bắt buộc cách ly có thu phí đối với người đến từ Hà Nội và TP HCM không chỉ cho thấy thái độ kỳ thị, mà còn là hành động bế quan tỏa cảng gây ra những hậu quả khôn lường về kinh tế - xã hội. Nói như vậy để thấy rằng, các cơ quan chức năng, nhất là những người đứng đầu địa phương cần tỉnh táo, sáng suốt cân nhắc tình hình thực tế, đừng máy móc áp dụng quy định để rồi lợi bất cập hại. Hãy đoàn kết toàn dân tộc, đừng cục bộ địa phương mới có đủ sức mạnh để chiến thắng đại dịch Covid-19.

Lê Anh Đức