Vẫn khó kìm giá thịt lợn
Tổng số lượng lợn thịt xuất chuồng của 15 doanh nghiệp (DN) lớn cũng chỉ chiếm 35-40%, còn lại là các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi của các địa phương cung cấp ra thị trường. Do đó các DN khó có thể chi phối giá thịt lợn trên thị trường, kể cả khi thịt lợn nhập khẩu không ít.
Giá thịt lợn vẫn chưa giảm, người tiêu dùng thêm khó khăn. Ảnh: Hoàng Phan.
Giá lại tăng mạnh
Trong vòng 3 ngày nay, giá lợn hơi tại nhiều địa phương ở miền Bắc bất ngờ quay đầu tăng mạnh. Theo anh Nguyễn Văn Bắc, chủ một trang trại chăn nuôi tại Thái Nguyên, giá bán lợn sáng một giá, chiều một giá, nhưng nhìn chung đều ở mức cao do hàng khan hiếm.
Còn ông Nguyễn Văn Toản, chủ một trang trại lợn quy mô 1.200 con ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết, thương lái vừa gọi điện cho ông hỏi mua lợn hơi với giá 85.000 đồng/kg, nhưng gia đình ông vừa bán 200 con với giá bình quân 81.000 đồng/kg. Tính ra với mỗi con lợn nặng 1 tạ, ông Toản bị thiệt mất 400.000 đồng. Thời điểm này, thương lái liên tục hỏi mua lợn hơi của người dân quanh vùng với giá 85.000 đồng/kg mà cũng chỉ mua được rất ít.
“Nếu như trước đây, lợn hơi mua rất dễ dàng, người dân cũng nuôi cả vài chục con thì hiện nay việc mua lợn rất khó khăn, kéo dài cả gần năm nay chứ không phải trong vài ngày này. Điều này phản ảnh nguồn cung chúng ta đang thiếu”- ông Toản nói.
Bên cạnh đó, tại các địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình giá thịt lợn cũng dao động trong khoảng 84.000 - 85.000 đồng/kg. Đáng chú ý, tại chợ truyền thống Hà Nội, như chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) giá thịt lợn tại đây ở mức cao, từ 110.000 đồng đến 200.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá chung, được nhiều tiểu thương kinh doanh thịt lợn bán ra ở các chợ khác như Kim Liên (quận Đống Đa), Cầu Giấy(quận Cầu Giấy). Còn tại siêu thị giá cao hơn từ 10-20%. Riêng các DN có thương hiệu, giá ba rọi 286.900 đồng/kg, còn sườn thăn là 295.900 đồng/kg.
Như vậy, từ góc nhìn thực tế cho thấy, trong khi các DN lớn vẫn duy trì mức giá 70.000 đồng/kg như đã cam kết trong cuộc họp mới đây, thì tại các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi của các địa phương vẫn cung cấp ra thị trường với giá đắt đỏ.
Mặt khác, thời điểm này người tiêu dùng mua rất nhiều thịt lợn để dự trữ cũng khiến nguồn cung tăng cao. Trong khi lượng thịt lợn nhập khẩu vẫn chưa đủ và chủ yếu chỉ bán online, người dân khó tiếp cận. Hơn nữa, thói quen tiêu dùng thịt lợn “nóng” của người dân cũng chưa thay đổi nên việc cam kết giảm giá của 15 doanh nghiệp với thị phần 35% khó ghìm giá của thị phần 65% còn lại không cam kết giảm giá.
Tập trung vào giải pháp gốc rễ
Liên quan tới giá thịt lợn vẫn cố thủ ở mức cao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận: Nguyên nhân việc giá lợn quá cao trong thời gian qua là do chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu.
Mặt khác, 15 DN lớn đã cam kết đồng hành đưa giá lợn hơi về mốc 70 nghìn đồng/kg nhưng số lượng lợn ở những DN này chưa đủ sức chi phối giá trong nước. Không những thế, khâu từ chuồng trại đến tay người dùng còn phức tạp, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ. Do đó, người tiêu dùng chưa được hưởng việc giá lợn xuống thấp như mong muốn. “Kế hoạch tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung nhiều giải pháp, trong đó giải pháp gốc rễ là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN, hiệp hội cùng với người nông dân để tăng đàn đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn”- ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nhằm kéo bình ổn giá thịt lợn thì thời gian qua giải pháp tăng nhập thịt lợn ngoại được xem là hiệu quả. Nhiều ngày qua, người tiêu dùng đã bắt đầu thích nghi dần với sự xuất hiện của các sản phẩm thịt lợn ngoại nhập có xuất xứ từ Canada, Ba Lan, Nga… Chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, mặt hàng thực phẩm đông lạnh sẽ góp phần kéo giá thịt lợn đang “leo thang”. Tuy nhiên, theo ông Phú, thịt lợn nhập có nhưng không bán ở chợ truyền thống. Do thiếu hệ thống phân phối đủ mạnh nên thịt nhập chưa thể giúp kéo giá thực phẩm trong nước xuống thấp hơn. Thực tế cho thấy, lượng thịt lợn nhập về khoảng 50.000 tấn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu 3,8 triệu tấn. Chưa kể, tâm lý của người dân thích ăn thịt tươi vẫn đang chiếm tới 90%.
Để kiểm soát giá thịt lợn, ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị có các giải pháp kiểm soát giá thịt lợn.
Bộ chủ quản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn. Đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 DN đồng loạt giảm giá xuống mức 70 nghìn đồng/kg lợn hơi; tiến tới giảm xuống 65 - 60 nghìn đồng/kg lợn hơi và thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.