Bộ GDĐT không có chủ trương thay đổi chữ viết Tiếng Việt
Đây là thông báo chính thức của Bộ GDĐT sau hàng loạt thông tin trên báo chí và mạng xã hội bàn luận về công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm.
Ngày 25/3, công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” của hai tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm sáng tạo chính thức được Cục Bản quyền tác giả của Bộ VHTTDL cấp giấy chứng nhận bản quyền. Công trình này đã nhận được sự quan tâm của không chỉ giới chuyên môn, các nhà khoa học mà rất nhiều tầng lớp xã hội cũng bày tỏ ý kiến khác nhau về nghiên cứu này.
Lý giải của nhóm nghiên cứu cho biết, công trình xuất phát từ việc hiện nay giới trẻ thường nhắn tin không dấu, đôi khi gây ra những hiểu lầm tệ hại. “Chữ Việt Nam song song 4.0” ra đời hy vọng sẽ khắc phục những nhược điểm gây hiểu lầm này và tạo ra sự thống nhất cho chữ không dấu. Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ.
Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này. Gần đây nhất, ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) về chữ quốc ngữ cũng khiến dư luận “một phen dậy sóng”. Tuy nhiên, xét đến cùng đây mới là một báo cáo được đưa vào kỷ yếu hội thảo về ngôn ngữ học tháng 9/2017 do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức, là công trình nghiên cứu 40 năm của tác giả và chưa hoàn thiện. Nên như một nhà ngôn ngữ học đã nói, “đề xuất đó không đáng bị quan tâm quá đà đến vậy”.
Qua những công trình như thế này cũng như phản ứng của dư luận khi công trình được công bố, có thể thấy sự quan tâm của công chúng đối với Tiếng Việt là cực kỳ mạnh mẽ. Tiếng Việt, như một tài sản vô giá đáng tự hào của toàn dân tộc nên bất cứ một nghiên cứu nào đối với Tiếng Việt trên tinh thần nghiêm túc, khách quan thì cũng đều đáng được trân trọng. Nhưng từ nghiên cứu đến thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách, nhất là với hệ thống chữ Quốc ngữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức và được cộng đồng chấp nhận, sử dụng hàng trăm năm nay...
Vì vậy, ngay cả với một công trình đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cấp giấy chứng nhận bản quyền thì trước mắt chỉ dừng lại ở phạm vi một công trình nghiên cứu. Còn để ứng dụng, để nghiên cứu này đi vào cuộc sống như thế nào thì vẫn cần thời gian để trả lời.