Xây dựng thương hiệu cho điện ảnh Việt
Trong những năm qua, điện ảnh Việt Nam ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim trong việc hướng tới những giá trị thuần Việt trên màn ảnh. Tuy nhiên, thời gian qua chất lượng điện ảnh hầu như chỉ ở mức độ “ao làng” cân đong bằng một thước đo duy nhất “lời hay lỗ”. Dưới đây là bài viết ghi lại ý kiến của nhà văn, nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng.
Nhà văn, nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng.
Tôi có may mắn là người được chứng kiến sự chào đời những bộ phim truyện đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam như “Chung một dòng sông”, “Vườn Cam”, “Lửa trung tuyến”... Muộn hơn một chút là “Chim vành khuyên”, “Vợ chồng A Phủ”, “Người chiến sỹ trẻ”... Cùng với mấy chục năm là giảng viên của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh ở Hà Nội và ở TP HCM, tôi đã nhiều lần được xem lại những bộ phim kia. Quả là trong những bộ phim ấy thấy rõ dấu vết của các căn bệnh như sự áp đặt chủ quan, minh họa chủ trương chính sách, sơ lược và giáo điều.
Nhưng có một ưu điểm nổi trội ở tất cả những bộ phim đó là đã lột tả được hình ảnh người nông dân, người chiến sỹ quân đội nhân dân... đã trải qua những thử thách gì. Hay cuộc sống của từ em bé tới cụ già được biểu hiện như thế nào, hậu phương và tiền tuyến ra sao... Những điều này tuyệt nhiên không nhạt nhòa, bị lấp chìm giữa những bộ phim của Trung Quốc, CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc... được chiếu tại các thành phố, các vùng quê vào những năm tháng ấy.
Tôi cũng nhớ rõ, thuở ấy trên báo chí chuyên ngành, trong những lần được trò chuyện với các nghệ sỹ không thấy ai nhắc tới mấy tiếng “Cần phấn đấu để phim ảnh của chúng ta thấm đẫm bản sắc dân tộc”. Cũng không thấy các nghệ sỹ thuộc thế hệ “khai phá” ấy nhắc nhau phải làm sao đưa phong cảnh này, phong tục kia, truyền thống nọ... vốn là “của lạ” của Việt Nam vào phim để hấp dẫn, cuốn hút người xem phim của các nước trên thế giới...
Những gì gọi là “bản sắc dân tộc” thực sự đã hòa quện, đã trở thành máu thịt, đã là điều gì tự thân phải thế trong cảm xúc, trong suy nghĩ, trong lý giải nghệ thuật của thế hệ nghệ sỹ đầu tiên. Nguyên nhân ư? Vì lòng yêu nước, niềm tự hào với lịch sử của cha ông, với truyền thống anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sau này là chống Mỹ. Đó còn là mối kết bện với vui buồn của người nông dân, người thợ cùng bà con cô bác lao động. Đặc biệt, với những người nghệ sĩ ở thời kỳ này là những yêu cầu nghiêm túc của phương pháp sáng tác hiện thực...Tất cả những điều này nhuần nhuyễn, tự nhiên tạo nên cái gọi là “bản sắc dân tộc” trong các bộ phim ở thời kỳ này.
Điện ảnh Việt đang bị chi phối bởi cơ chế thị trường.
Gần một chục năm trở lại đây chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, những cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim của một thế hệ làm phim mới hướng tới việc làm cho những gì lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam hiện trên màn ảnh. Những con vịt, chú lợn, chú bò... vốn là những gia súc rất thân thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam đã trở thành những nhân vật đáng yêu, có vị trí riêng trong nhiều bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.
Những gương mặt xinh hiện đại, trẻ trung, hồn nhiên của những cô gái Việt Nam trong thập niên này được khắc họa khá thành công trong những bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh.
Các nhà quay phim Lý Thái Dũng, Nguyễn Nam đã miêu tả bằng ống kính sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị Việt Nam trong những khuôn hình, những góc máy vừa kết hợp được sự hiện đại với chất thơ, chất dung dị, mộc mạc của riêng Việt Nam. Đặc biệt đáng kể tới là nỗ lực đầy tâm huyết và sự táo bạo thể nghiệm của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong một loạt phim như “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Song Lang”, “Hai Phượng” đã giúp người xem nhớ lại những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước.
Dẫu vậy, nhưng cái mới, cái lạ của quê hương đất nước Việt Nam trong phim của các nhà làm phim vẫn dừng ở mức các mặt hàng để tìm khách hàng mới.
Có thể nói, điện ảnh xã hội hóa công bằng là trả lại yếu tố giải trí cho phim ảnh cũng như dám dũng cảm chấp nhận quy luật hàng hóa của sản phẩm phim ảnh. Nhưng trong quá trình xã hội hóa, việc quản lý điện ảnh đang phạm phải sai lầm. Hàng chục năm qua, chất lượng điện ảnh hầu như chỉ ở mức độ “ao làng”, cân đong bằng một thước đo duy nhất “lời hay lỗ”.
Cũng hàng chục năm rồi điện ảnh nước ta chỉ biết làm vui, gây cười, kích động tò mò của khán giả mà quên rằng phim ảnh vẫn phải mang trách nhiệm là chứng nhân của lịch sử. Thực tế, màn ảnh còn phải là tấm gương biểu dương những phẩm giá anh hùng, những chuẩn mực lương tri và lương tâm để những lớp người trẻ noi theo. Ở đó, chính điện ảnh vẫn còn có nghĩa vụ dắt dẫn, nâng cao trình độ thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức của người xem.
Nhắc tới những lầm lạc, yếu kém trên, tôi cũng nuối tiếc. Vì đã từng có những năm tháng nền điện ảnh của chúng ta hiểu đúng, hiểu rõ và biết cách trả lời khá chính xác câu hỏi “Làm thế nào để trong các bộ phim xuất xưởng không lai căng, không vọng ngoại, in đậm bản sắc dân tộc?”. Đó là những năm cuối thập niên 1980 và nửa đầu thập niên những năm 1990…
Tựu chung lại, hiện nay “hầu bao” tài chính nhà nước dành cho điện ảnh đã thắt lại. Chính vì thế đội ngũ những người làm phim vốn xưa nay lấy mục đích tư tưởng, thẩm mỹ làm đầu, bỗng bị tước vũ khí, để tập làm quen với gậy gộc, đao búa của cơ chế thị trường.