Lòng tự trọng

Lê Anh Đức 10/04/2020 08:00

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Đảng, Nhà nước cùng nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã chung tay hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng việc phát suất ăn, gạo, lạc... miễn phí. Tấm lòng thơm thảo lẽ ra phải được nhiều người ủng hộ, song có một số kẻ lại lợi dụng lòng tốt đó để trục lợi. Mấy ngày qua, việc một số người đi xe tay ga đắt tiền, đi ô tô đến các điểm phát đồ ăn miễn phí khuân túi lớn, túi bé là hết sức phản cảm, đáng lên án.

Lòng tự trọng

Các suất quà được đặt trước cửa nhà 38 phố Lý Thường Kiệt (Hải Phòng) vào 10h30 hàng ngày, cùng với thông điệp: “Nếu khó khăn hãy lấy một phần. Nếu ổn, xin hãy nhường”.

Đỉnh điểm là ở một điểm phát lương thực, thực phẩm miễn phí tại TP HCM, có đôi vợ chồng đi xe máy sang đến vác 4-5 túi đồ dành để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Khi được một nữ tình nguyện viên nhắc nhở nên dành đồ ăn cho người thực sự khó khăn, đôi vợ chồng trên lại lớn tiếng thóa mạ.

Không dừng lại ở đó, người chồng còn xông vào hành hung nữ tình nguyện viên với lý do: “Bọn tao vừa lấy 4-5 túi ở quận 5 có ai nói gì đâu”. Những người xung quanh đều bực tức. Đến khi mấy anh chạy Grab gần đó đến can thiệp thì hai người nọ mới chịu dừng tay. Nhưng thay vì xin lỗi mọi người, cặp đôi nọ còn lớn lối: “Bọn tao lấy về giúp người ở quê khó khăn chứ có ăn đâu”.

Đáng buồn, trường hợp đó lại không phải là hy hữu, “độc đáo”. Một số người khác cũng rủng rỉnh trang sức bạc triệu trên người nhưng vẫn đi một vòng quanh những điểm phát lương thực, thực phẩm miễn phí để tranh thủ vơ vét càng nhiều càng tốt. Có khi còn tranh giành suất ăn với những người vô gia cư, có hoàn cảnh khó khăn.

Thực chất, mỗi suất lương thực, thực phẩm phát miễn phí như vậy có đáng bao nhiêu tiền đâu, nhưng đó là sự sẻ chia, hỗ trợ dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể vượt qua cơn đại dịch. Dù có lượn qua hàng chục điểm phát miễn phí, khuân tới 4-5 suất như vậy thì số tiền mà những người có lòng tham kiếm được cũng chẳng bõ bèn gì. Ấy thế mà họ vẫn cứ tham, vẫn cứ đi tranh giành với người nghèo, người vô gia cư từng suất ăn như vậy.

Lẽ ra, thay vì đi “cướp” lương thực, thực phẩm, tranh giành với những người yếm thế, khó khăn hơn mình, những người có điều kiện nên chung tay làm thiện nguyện dù ít hay nhiều. Song, nếu vậy thì lại không có chuyện gì để nói. Chính vì sự ích kỷ, nhỏ nhen, lại cộng thêm với lòng tham, những kẻ dù giàu sang phú quý nhưng lại đánh mất lòng tự trọng của một con người. Các cụ thường nói “miếng ăn là miếng nhục”, không hiểu những kẻ đeo vàng đầy người đi giành suất ăn của người nghèo có biết điều đó?

Có lẽ họ không biết, hoặc có biết nhưng lại không hiểu câu nói đầy thâm ý của người xưa. Nếu biết, nếu hiểu, có lẽ họ đã không đánh ô tô, xe máy “xịn” đến những nơi làm thiện nguyện, phát đồ ăn miễn phí để tranh giành với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Con người khác với những giống loài khác ở chỗ biết suy nghĩ, biết thế nào là điều hơn lẽ thiệt, biết thế nào là đúng - sai, biết nhường nhịn, cảm thông và sẻ chia với đồng loại. Khi lòng tự trọng không còn thì có khác gì sống bầy đàn đâu?

Rất may là số người đánh mất lòng tự trọng chỉ là thiểu số trong xã hội. Vẫn còn rất nhiều những tấm lòng hảo tâm, những con người đầy chất nhân văn, sẵn sàng sẻ chia, đùm bọc, trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Có những bà cụ đã cao tuổi, chân chậm, mắt mờ, dù hoàn cảnh khó khăn vẫn cố đi hái mớ rau, mang theo cân gạo đến giúp các chú bộ đội nơi tuyến đầu chống “giặc dịch”. Có những em bé chỉ mới 5-6 tuổi đã sẵn sàng đập lợn góp thêm ít tiền để giúp đỡ người nghèo...

Những tấm gương ấy vô cùng xứng đáng để tất cả chúng ta ngưỡng mộ, học tập. Tiếc rằng, thay vì học tập những tấm gương yêu nước, thương nòi, thương người như thể thương thân ấy, có không ít kẻ dù giàu sang, dù thanh niên trai tráng lực lưỡng lại đi tranh giành, cướp giật từng suất ăn với những người khốn khổ hơn mình gấp nhiều lần. Hành vi ấy thể hiện thái độ ích kỷ, tàn nhẫn cần phải bị lên án mạnh mẽ, thậm chí cần phải có những biện pháp răn đe để tránh nêu gương xấu cho xã hội.

Lê Anh Đức