Không để 'độ trễ' trong thực hiện gói hỗ trợ
Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: Sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống.
Những người bán hàng rong xa quê rơi vào cảnh túng thiếu khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Hạnh Hường.
Chính phủ đã quyết định gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng cho 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng với tổng số tiền lớn nhất từ trước đến nay. Đây là tin vui lớn với những người nghèo, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhất là từ đầu tháng 4 đến nay khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, quá nhiều đối tượng lao động phổ thông chạy ăn từng bữa trong ngày đã và đang rơi vào cảnh khốn khó. Thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân, Chính phủ ngay lập tức xây dựng một gói hỗ trợ an sinh lớn nhất từ trước đến nay để hỗ trợ người dân cùng Chính phủ vượt qua đại dịch. Nhưng để chính sách này vào cuộc sống, đến được tay người nhận vẫn cần một khoảng thời gian nhất định.
Một phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được tổ chức nhanh gọn trong sáng ngày 8/4 để chốt thông qua gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, chính sách dẫu có được thông qua một cách nhanh gọn như vậy cũng chưa chắc khâu tổ chức thực hiện cũng sẽ có tốc độ tương tự. Chính vì vậy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cảnh báo phải hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách; bởi nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì “người dân không thể chờ đợi thêm được nữa”.
Trên thực tế, câu chuyện chính sách được ban hành rồi mà vẫn chậm triển khai trong thực tiễn đã tồn tại nhiều năm nay. Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể từng than thở về việc chậm trễ trong thực hiện dự án sân bay Long Thành khiến tiến độ của công trình trọng điểm này vẫn cứ ì ạch khiến mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải có một cuộc làm việc trực tuyến với tỉnh Đồng Nai để tháo gỡ những vướng mắc cho dự án này.
Sự chậm trễ trong việc đưa chính sách vào cuộc sống không chỉ xuất hiện ở những dự án trong lĩnh vực kinh tế mà với lĩnh vực an sinh xã hội cũng có những vướng mắc nhất định. Còn nhớ cách đây 4 năm khi sự cố cá chết tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung diễn ra hồi tháng 4/2016 khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh điêu đứng. Tại thời điểm đó, Formosa Hà Tĩnh đã phải bồi thường 500 triệu USD cho người dân bị ảnh hưởng. Và dù sự việc xảy ra từ hồi tháng 4 nhưng đến tận cuối năm 2016 người dân Quảng Bình vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ chỉ vì đến giữa tháng 11 tỉnh này vẫn chưa thống kê được số người bị thiệt hại, do các văn bản của các cấp, ngành có những điểm bất cập, thay đổi nên việc kê khai phải thực hiện nhiều lần.
Cũng liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, gần đây nhất, tháng 9/2019 khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành nhiều tỉnh thành trong cả nước, Chính phủ và các địa phương đã vào cuộc gỡ khó, hỗ trợ người dân vượt qua dịch bệnh. Thực tế thì nhiều địa phương đã làm tốt chính sách hỗ trợ những hộ chăn nuôi ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng không phải tỉnh thành nào làm cũng tốt. Cụ thể khi dịch bệnh xảy ra UBND tỉnh Cà Mau đã duyệt chi 800 tỷ đồng cho các địa phương có nguồn kinh phí chi hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi. Nhưng đến cuối năm 2019 người dân vẫn chưa nhận được hỗ trợ do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Trong đó cũng có nguyên nhân do chính quyền địa phương cấp xã làm không đúng, không đủ hồ sơ phải bổ sung lại hoặc chưa thực hiện rốt ráo nhiệm vụ này.
Tất nhiên, bất kỳ chính sách nào ra đời cũng không thể thực hiện một cách vội vàng, cẩu thả khiến tiền không đến đúng đối tượng. Đó là điều cần thận trọng, minh bạch trong việc thống kê các đối tượng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chính sách sẽ bị kéo dài, có độ trễ trong triển khai thực hiện. Bởi, không lo tiền đến sai đối tượng vì chúng ta sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực.
Đề nghị cần nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ an sinh xã hội vào cuộc sống để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, chuyên gia tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, 6 nhóm đối tượng cần nhận hỗ trợ mà Chính phủ hướng tới là hoàn toàn đúng đắn, đây sẽ là phao cứu sinh giúp người dân thời điểm này. Tuy nhiên, cần hỗ trợ đặc biệt cho các nhóm người tự do, buôn bán nhỏ lẻ, người làm thuê không có hợp đồng lao động, người nghèo trong xã hội. Và vì đây là chính sách dành cho những người yếu thế, người nghèo để lo an sinh xã hội cho nên bên cạnh yếu tố luật pháp, từ người làm chính sách cho đến khâu tổ chức thực hiện phải luôn nhớ một điều: Đây là chính sách cho người nghèo cho nên cần phải đặt cả trái tim vào đó. Lúc ấy chính sách mới nhanh chóng đến gần hơn với con người, vì con người, nhất là những người yếu thế.