Chủ quan sẽ chịu hậu quả lớn
Sau hơn một tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại rất nhiều tỉnh thành trên toàn quốc đã xuất hiện tình trạng người dân đổ ra đường bất chấp yêu cầu ở nhà trong vòng 2 tuần. Sự chủ quan, coi thường bệnh dịch sẽ mang lại hậu quả lớn.
Kiểm tra y tế người ra vào thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), nơi đang phong tỏa để dập dịch. Ảnh: Quang Vinh.
Để kiềm chế, kiểm soát hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1.4.2020 trên phạm vi toàn quốc. Sau hơn 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội đã mang lại hiệu quả bước đầu. Thực tế là những ngày gần đây số ca nhiễm mới tại Việt Nam đã giảm hẳn. Có lẽ nghĩ là dịch bệnh đã được kiểm soát, trong một bộ phận nhân dân đã xuất hiện tâm lý chủ quan, bất chấp yêu cầu ở nhà để cùng chống dịch người dân đã tìm ra rất nhiều lý do không chính đáng để ra đường. Thậm chí, một số hàng quán đã bắt đầu lén lút hoạt động trở lại.
Không thể lơ là chủ quan trong chống dịch bởi giãn cách xã hội được hiểu là biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc, nghĩa là mọi người nên ở nhà, nếu phải ra đường thì giữ một khoảng cách 2m với người xung quanh, không tụ tập đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng…Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm khoảng một nửa, thì sau 5 ngày, số người bị lây nhiễm chỉ còn là 1,25 và sau 30 ngày thì chỉ còn 15 người lây. Điều này cho thấy thực hiện giãn cách xã hội càng sớm, hiệu quả càng lớn.
Thực tế, trong lịch sử, biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng để chống lại những loại dịch bệnh giết người hằng loạt và đã đem lại hiệu quả nhất định. Chẳng hạn với đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918-1919), dịch viêm đường hô hấp cấp SARS (năm 2003) ở Trung Quốc, và tại thành phố Mexico trong đại dịch cúm (năm 2009)…thì giãn cách xã hội là một trong những biện pháp quan trọng góp phần chặn đứng dịch bệnh.
Cụ thể, trong đại dịch Covid-19, trường học đóng cửa, các điểm vui chơi giải trí ngừng hoạt động, các cơ quan và công ty giới hạn giờ làm và số nhân viên có mặt tại trụ sở, hàng loạt sự kiện thể thao, văn hóa và chính trị thu hút đông người tham gia đều phải hoãn, hủy… điều này không chỉ được áp dụng ở vài quốc gia mà đã được thực thi trên toàn cầu. Tất cả những việc làm này đều nhằm đảm bảo thực thi tốt giãn cách xã hội.
Hiệu quả của giãn cách xã hội rất rõ như vậy nhưng tại sao người dân vẫn lơ là, chủ quan. Thậm chí những người trẻ còn cho rằng chỉ ra đường chốc lát, hoặc có vô tình tiếp xúc với người bệnh thì họ cũng không thể lây nhiễm bệnh. Đúng, với người trẻ, khỏe có sức đề kháng tốt, việc nhiễm bệnh có thể không xảy ra, tuy nhiên, việc những người này có thể mang trong mình mầm bệnh và chắc chắn họ sẽ là nhân vật trung gian truyền bệnh cho những người già, người có sức khỏe yếu. Và nếu ai cũng vô ý thức, cứ vô tư mang trong mình mầm bệnh để lây truyền cho người có bệnh lý trong người dẫn đến số ca nhiễm gia tăng, gây quá tải cho các bệnh viện tạo gánh nặng quá sức lên hệ thống chăm sóc y tế. Khi hệ thống y tế quá tải, đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng cao số ca tử vong. Như vậy, việc những người chủ quan lao ra đường và cho rằng mình không thể mắc bệnh thì việc họ thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách xã hội chính là một cách để thể hiện lòng bao dung tình thương với con người và trách nhiệm với cộng đồng.
Không thể để tình trạng người dân đổ ra đường trong khi cả xã hội đang đồng lòng ở nhà chống dịch, rất nhiều TP đã đưa ra các giải pháp cụ thể để chấn chỉnh tình trạng này. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cửa hàng bán hàng không thiết yếu, người dân không đeo khẩu trang khi ra đường. Đồng thời nhấn mạnh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, chỉ ra đường khi có việc thật cần thiết.
TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản khẩn số 1297/UBND-VX về tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của người dân, cộng đồng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, phạm vi mình quản lý; cần xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm tra, chốt chặn tại 62 điểm ra vào cửa ngõ thành phố để kiểm tra các hành vi vi phạm biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra đường, tụ tập đông người….
Tại cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường. Tất cả những việc làm này để đạt được đích đến là chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
Giãn cách xã hội để chống dịch không thể không thực hiện, tuy nhiên, để thay đổi một thói quen không phải là điều dễ dàng, do đó nếu cần thiết cần có những chế tài rõ ràng để hạn chế tối đa sự ra đường vì những lý do không cần thiết để chặn đứng đường lây lan của bệnh dịch, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Thiết nghĩ, mọi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục chung sức, đồng lòng ủng hộ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ để dịch Covid-19 nhanh chóng bị đẩy lùi.