Những chiến binh 'thần rừng' Amazon
Trong khi người dân cả thế giới phải dồn sức cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 thì tại những cánh rừng già Amazon (Nam Mỹ) các bộ tộc thổ dân cũng đang phải bước vào một cuộc chiến sống còn: Chống lại các băng nhóm lâm tặc hung hãn.
Cuộc chiến giữ rừng Amazon ngày càng khốc liệt.
“Phá sạch tương lai”
“Đối với các cộng đồng thổ dân đang sinh sống dựa vào “bầu sữa thiên nhiên” – rừng rậm Amazon, rừng là tất cả những gì của họ. Từ miếng ăn hàng ngày đến sinh kế lâu dài, từ mái nhà cho đến sự chở che. Thế nhưng mọi thứ đang mất đi rất nhanh” – một chuyên gia bảo vệ môi trường tại Nam Mỹ nói với Reuters.
Theo Washington Post, tỷ lệ phá rừng ở Brazil tăng vọt vào những năm 1990 nhưng bắt đầu giảm xuống khi cơ quan bảo vệ môi trường của đất nước, được gọi là IBAMA, trấn áp hoạt động chặt hạ và khai thác gỗ trái phép. Tỷ lệ bắt đầu tăng trở lại vào năm 2012 và tốc độ tăng nhanh dưới thời ông Bolsonaro, Tổng thống Brazil đắc cử vào đầu năm 2019.
Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy khoảng 7.900 km2 rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đã biến mất từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2018. “Con số ấy dĩ nhiên là rất lớn, nhưng điều quan trọng là nó lớn hơn diện tích rừng bị phá hủy trong 1 năm trước đó tới 13,7%. Cùng với đó, hơn 1,12 tỉ cây đã bị chặt hạ”- tổ chức này cho biết thêm.
Trong khi đó, các thống kê mới nhất từ phía các tổ chức bảo vệ môi trường cũng chỉ ra tổng diện tích rừng bị phá từ tháng 1 đến tháng 11/2019 tại Amazon là 8.934 km2, rộng gấp 12 lần Singapore và nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước 83%. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2019 Amazon chịu đựng tốc độ tàn phá gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái khi 563 km2 rừng mưa nhiệt đới bị phá hủy - theo Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (INPE) của Brazil.
Các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường đã đổ lỗi cho Tổng thống Bolsonaro vì đã khuyến khích những công ty nông nghiệp và khai thác gỗ phá rừng, bằng cách kêu gọi phát triển kinh tế khu vực Amazon, và làm suy yếu cơ quan bảo vệ môi trường (Ibama) của nước này.
“Các chính phủ trước cũng đóng góp vào sự gia tăng nạn phá rừng, và bào chữa rằng việc cắt giảm ngân sách Ibama đã được đưa ra từ trước”- Đại diện Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (INPE) nói.
“Bằng việc để lâm tặc phá rừng Amazon không thương tiếc, họ đã phá sạch tương lai của chúng ta”- các kênh truyền hình quốc tế dẫn lời một tù trưởng của một bộ tộc thổ dân nói.
Những chiến binh “thần rừng”
Trước sự thờ ơ của chính quyền Brazil, các bộ tộc thổ dân đã tự triển khai lực lượng tuần tra để chiến đấu chống lại những kẻ khai thác trái phép trong rừng rậm Amazon. Những người Guajajara tự gọi mình là “Vệ binh của rừng già”, với trọng trách bảo vệ khu rừng tại Lãnh thổ bản địa Arariboia, miền Bắc Brazil trước nạn lâm tặc.
Người Guajajara cho biết có khoảng 180 thành viên tham gia các đội tuần tra tại vùng đất họ sinh sống từ đầu năm 2012, thường là vào ban đêm. “Với công việc đang làm, họ thực sự là những chiến binh thần rừng”-Tổ chức Hòa bình Xanh tưởng thưởng.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến với lâm tặc, đã không ít cá nhân trở thành biểu tượng giữ rừng đã đổ máu và ngã xuống. Một trong số đó là Paulo Paulino Guajajara với biệt danh “Lobo” (Lobo, trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là con sói).
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 9/2019, Paulo cho biết bảo vệ khu rừng khỏi những kẻ xâm nhập trái phép là một công việc hết sức nguy hiểm, nhưng các bộ lạc thổ dân buộc phải thực hiện.
“Tôi có sợ, nhưng chúng tôi phải ngẩng cao đầu và hành động. Chúng tôi đang chiến đấu tại đây, bảo vệ đất đai và sự sống, muôn thú, chim chóc. Đã có quá nhiều sự tàn phá ở đây, những cây gỗ tốt, cứng như thép, bị chặt và mang đi khỏi khu rừng. Chúng tôi phải bảo tồn cuộc sống này cho con cháu mình”- Paulo nói
Đầu tháng 11/2019, Hiệp hội Thổ dân Brazil cho biết “sói Paulo” đã bị sát hại tại lãnh thổ của thổ dân Araribola ở bang Maranhao trong một vụ phục kích do lâm tặc thực hiện. Những tên lâm tặc làm bị thương một người khác tên là Laercioor, nhưng người này may mắn chạy thoát. “Đó là một mất mát lớn đối với những chiến binh”-Thủ lĩnh lực lượng bảo vệ rừng của thổ dân Arariboia khẳng định.
Theo ông Arariboia, cuộc chiến giữ rừng sẽ không có hồi kết, máu thổ dân còn đổ và rừng sẽ chết nếu chính quyền của ông Bolsonaro không thực sự coi đó là một nhiệm vụ ngay trước mắt.