Vẫn khó gỡ ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu
Khuyến cáo tạm dừng đưa nông sản lên cửa khẩu Lạng Sơn, đồng thời, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước.
Một điểm giải cứu nông sản do việc xuất khẩu bị “nghẽn” trong thời gian qua.
Trước tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, thời gian gần đây, phía Trung Quốc siết chặt quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung lại tiếp tục gây tình trạng ùn ứ hàng ngàn xe nông sản. Thời điểm này, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đang tồn khoảng 1.698 xe và 1 toa hàng. Trong đó, riêng tỉnh Lạng Sơn còn tồn 1.582 xe, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, trái cây như thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, mít,…
Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho thương nhân, doanh nghiệp và nông dân, Bộ NNPTNT vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP, hiệp hội ngành hàng nông sản chỉ đạo rà soát, thông báo tới các doanh nghiệp trước mắt tạm dừng đưa hàng nông sản, nhất là mặt hàng hoa quả lên khu vực Lạng Sơn để chờ thông quan hết số hàng đang tồn đọng tại cửa khẩu.
Phía tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh có biên giới chủ động bám sát tình hình, kịp thời thông báo tới các địa phương cả nước về tình hình thông quan trong thời gian tới để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường thu mua nông sản nhất là rau củ quả, thủy sản, tăng cường công tác quản lý chất lượng, chế biến phục vụ nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu.
Bộ NNPTNT khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, cung ứng thị trường trong nước. Thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh, trong đó định hướng các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động chuyển hướng thị trường. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trung Quốc là thị trường nông sản chính của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu trên 40 tỷ USD nông sản thì 8,5 tỷ USD là đi Trung Quốc, trong đó riêng rau quả là 2,6 tỷ USD xuất sang thị trường này. Rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu thanh long và dưa hấu. Cả nước có khoảng 68.000ha thanh long, sản lượng mỗi tháng khoảng 150-200 nghìn tấn. Đây là thời điểm trái vụ nhưng áp lực tiêu thụ vẫn quá lớn.
Bộ trưởng Cường chỉ đạo: Cần phải tổ chức lại mạng lưới thương mại, điều chỉnh lại mùa vụ để kịp thời giải quyết sản lượng tồn đọng. Các doanh nghiệp chế biến cần xem đây là cơ hội để mua nguyên liệu tạm thời dự trữ chờ giá và chế biến. “Tương lai của ngành hàng rau quả vẫn rất tốt. Bởi vì trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ mỗi năm lên đến 300-400 tỷ USD tiền rau quả. So với thương mại gạo mỗi năm chỉ chiếm khoảng 36 tỷ USD thì thị trường rau quả gấp 10 lần, và với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 5% cho thấy tiềm năng ngành hàng này còn rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng.
Với những khó khăn đang hiện hữu, theo Bộ NNPTNT, cần nhiều giải pháp trong trung hạn như tập trung thúc đẩy công nghệ chế biến sâu, đặc biệt sản phẩm trái cây có thể tính đến việc cấp đông sản phẩm và tập trung vào nâng cao năng lực sấy khô. Thứ hai, tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa thông qua các đầu mối, ví dụ như Big C, Vinmart,… góp phần bình ổn giá và nâng cao giá trị sản phẩm. Thứ ba, mở cửa các thị trường khác nhau để không lệ thuộc vào một thị trường. Trong thời gian tới, phải tính đến giải pháp rà soát lại cơ cấu mùa vụ, gắn liền cơ cấu thị trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), từ đầu năm 2020 vấn đề thị trường nông sản của Việt Nam gặp phải khó khăn kép. Đầu tiên là thị trường nội địa bị ảnh hưởng bởi tác động lớn của xung đột thương mại Mỹ -Trung. Tình hình thị trường thương mại thế giới vấp phải sự cạnh tranh rất cao. Tiếp đến dịch bệnh Covid-19.