Chống 'Virus diễn biến hòa bình': Không ai xuyên tạc được niềm tin
Dalia Research, một công ty truyền thông có trụ sở tại Berlin vào cuối tháng 3 tung ra một kết quả khảo sát được coi là quy mô nhất từ khi Covid-19 bùng phát. Câu hỏi được Dalia Research đưa ra để khảo sát là: Người dân đánh giá phản ứng của chính phủ nước mình với Covid-19 ra sao? 32.631 người tại 45 quốc gia đã tham gia trả lời câu hỏi này và 62% người Việt Nam được hỏi đã trả lời là hài lòng với hành động của Chính phủ Việt Nam. Con số này cao nhất thế giới theo bảng xếp hạng khảo sát của Dalia.
Tranh cổ động của họa sĩ Lê Đức Hiệp. Ảnh: Guardian.
Kết quả của cuộc khảo sát này phản ánh khá chân thực tinh thần đồng lòng chống dịch ở Việt Nam. Nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, không cần phải đợi đến kết quả của cuộc khảo sát này, cũng như chắc chắn khi Dalia làm khảo sát, số người Việt Nam được hỏi cũng chưa nhiều, chứ chỉ cần nhìn vào không khí xã hội những ngày qua, tỉ lệ hài lòng và niềm tin nhất mực của nhân dân vào các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Đảng, Chính phủ chắc chắn cao hơn con số 62% mà Dalia đưa ra, dù nó đã được xếp hạng nhất bảng.
Chúng ta nói nhiều về những tin giả, những thông tin sai sự thật, những suy diễn bóp méo về đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Nhưng có một sự thật không ai xuyên tạc được là niềm tin của nhân dân. Có một nhà lãnh đạo kỳ cựu đã từng nói: Một khi dân đã tin thì không ai xuyên tạc được. Người dân Việt Nam đang tin chính quyền của mình nhất trong việc xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay – kết quả đó là do Dalia Research đưa ra. Nó là một sự thật và khi đã có đủ niềm tin chân chính của nhân dân, tất cả những việc lợi dụng dịch bệnh để suy diễn, bóp méo, bịa đặt về tình hình Việt Nam đều không còn có giá trị nữa.
Covid-19 đặt cả thế giới vào những ngày tháng lịch sử chưa từng có - một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chỉ cách đây mấy tháng hầu hết chúng ta đều chưa hình dung nổi. Virus Sars-Cov-2 trở thành kẻ thù ở tất cả các quốc gia và nó khiến cho cả thế giới lao đao khi hơn nửa nhân loại không được bước chân ra đường. Trong bối cảnh ấy, điều gì là sức mạnh nếu không phải là sự đoàn kết. Đoàn kết thế giới và đoàn kết ở mỗi quốc gia. Mọi sự chia rẽ và hận thù đều chỉ làm cho chúng ta suy yếu. Trong khi nhân loại lao đao về Covid-19, chỉ những người thiếu lương tri mới cố tình tạo ra một thứ virus khác nữa, một thứ virus tin giả, tin đồn, tin sai lệch để gây hoang mang và làm phân tán sự đoàn kết, đồng lòng chống dịch.
Nói về đoàn kết trong những ngày chống dịch không phải chỉ là một sự hô khẩu hiệu. Những ngày qua chúng ta chứng kiến hầu hết các quốc gia đều chọn cách liên kết giữa chính phủ và công dân, chỉ có đồng lòng, sát cánh, ủng hộ và tin tưởng mới có thể vượt qua hoạn nạn – một hoạn nạn không thông thường, nó vô cùng nguy hiểm và diễn biến khó lường. Và rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã cho rằng sức mạnh đoàn kết của dân tộc sẽ chiến thắng.
Một đồng nghiệp của chúng tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú ở Châu Âu kể: Một độc giả trên tờ báo Le Monde của nước Pháp đã đặt câu hỏi với Giáo sư Frédéric Keck- một chuyên gia hàng đầu về lịch sử triết học, nhân chủng học, châu Á học- như sau: “Ông có phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc tôn trọng các lệnh phong toả ở các nước không? Do dân ý thức được rủi ro hay chỉ đơn thuần là tuân lệnh? Là chuyện lợi ích tập thể đối kháng với lợi ích cá nhân, do sợ virus, sợ cho bản thân, cho người thân, hay sợ cho tập thể?”. Và trong câu trả lời, Giáo sư Keck đã dẫn lại cuộc cách ly nhanh chóng và hiệu quả người dân của Việt Nam năm 2003 để ngăn SARS mà theo Keck, dựa vào chính kinh nghiệm này mà các chuyên gia Trung Quốc đã cố vấn cho Chủ tịch Tập Cận Bình phong toả Vũ Hán.
Keck cũng nói thêm, rằng chẳng ai biết các ảnh hưởng tâm lý của việc phong toả sẽ như thế nào nếu không nhìn vào cách mà người Việt Nam đã sinh sống hồi 2003. Keck cũng đã nhắc đến lịch sử hun đúc lên ý chí người Việt Nam “đã trải qua nhiều thứ khác đáng để nói hơn trong gần nửa thế kỷ trước đó” để lý giải sức mạnh mà người Việt Nam chiến thắng được đại dịch SARS.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ nghiêm trọng trên thế giới, ở ngay cả những nước giàu có và văn minh bậc nhất như châu Âu và Mỹ thì có thể khẳng định đến thời điểm này Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Mặc dù tin giả và các luồng ý kiến cố tình suy diễn xuất hiện rất nhiều, vẫn không làm sai lệch được sự thật là Việt Nam công khai minh bạch thông tin dịch bệnh, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, triển khai đồng bộ các biện pháp hiệu quả, ưu việt, nhân văn và trách nhiệm trước sức khoẻ nhân dân.
Dịch đã lan rộng tới hàng trăm quốc gia, có những nước số ca nhiễm mới mỗi ngày lên tới hàng nghìn người thì việc Việt Nam cho đến nay có hơn 200 ca nhiễm không nằm trong sự bất ngờ. Chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với hàng nghìn ca nhiễm. Việc có thêm những ca nhiễm mới không phải do chúng ta yếu kém hay không đủ năng lực kiểm soát.
Bởi thế, thật ngạc nhiên, khi vẫn có những luận điệu lạc lõng đâu đó hả hê khi thấy Việt Nam tiếp tục xuất hiện những ca nhiễm mới. Trên mạng xã hội xuất hiện các “thuyết âm mưu” thông tin sai lệnh về dịch bệnh khiến cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch của Chính phủ Việt Nam gặp thêm những khó khăn. Liên quan đến bệnh nhân này, bệnh nhân khác, hàng loạt thông tin thất thiệt được tung ra. Nhiều đối tượng tung tin bịa đặt có công nhân bị nhiễm bệnh Covid-19 mà không bị cách ly, kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố người nước ngoài, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số công ty, khu công nghiệp…Thường xuyên xuất hiện các thông tin xuyên tạc tình hình dịch bệnh, công kích chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong chống dịch. Thậm chí xuất hiện cả những thông tin xuyên tạc nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh bị cách ly, cô lập, cắt điện hoàn toàn, xuất hiện thông tin Việt Nam có hơn 500 người mắc dịch bệnh ở 12 tỉnh, thành phố và hàng chục người đã tử vong, chính quyền đã chuẩn bị lò hỏa thiêu cho các địa phương… Có nhiều bài viết nghi ngờ Việt Nam “giấu” sự thật số người bị mắc Covid-19, công bố số liệu ít hơn thực tế nhằm che mắt cộng đồng quốc tế…
Chúng ta, trong những ngày qua, vừa lo chống dịch vừa lo chống “virus diễn biến hòa bình”. Không có cách nào khác ngoài việc phải tạo ra kháng thể trong nhân dân để tự miễn dịch và tăng sức đề kháng trước các loại “virus tin đồn” lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin xuyên tạc. Mặc dù thời gian qua, nhiều đối tượng tung tin đồn, tin giả, tin bịa đặt, xuyên tạc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nhưng theo nhà báo Đinh Đức Hoàng, các cơ quan chức năng vẫn có thể làm tốt hơn nữa: “Việc xây dựng khung pháp lý, và cả thực thi nó trên môi trường mạng ở Việt Nam vẫn rất sơ khai. Người ta vẫn thóa mạ, hạ nhục và đơm đặt đủ điều, kể cả ddđối với các chính khách của đất nước, mà vẫn không sao.” Mặc dù vậy, theo nhà báo Đinh Đức Hoàng, ngay cả hoạt động của cơ quan hành pháp cũng chỉ là một trong số các giải pháp. Các cơ quan chức năng không thể cả ngày đi ngồi rình tin giả, trong mấy tỷ dòng tương tác trên facebook tiếng Việt được. Bởi vậy, theo ý kiến nhà báo này, nếu coi tin giả là virus thì cách tốt nhất là tăng sức đề kháng của cộng đồng.
Chỉ cần cộng đồng không để bị cuốn theo các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, những tin đồn thất thiệt về tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ cần nhân dân đồng lòng ủng hộ và giữ vững niềm tin vào sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của Chính phủ thì tin đồn, tin giả sẽ trở thành lạc lõng không còn đất sống. Đồng lòng và tin tưởng là biểu hiện rõ nét nhất, thiết thực nhất về tình yêu đất nước, để chúng ta nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19.
Các giải pháp quyết liệt, đồng bộ của Đảng, Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19 trên tinh thần đặt sức khỏe và tính mạng nhân dân lên trên hết đang được nhân dân đồng tình ủng hộ. Niềm tin của nhân dân là sức mạnh không ai có thể xuyên tạc được.