Người nghèo đang đợi
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, đã có mức tiền cụ thể hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể chống chọi, vượt qua thời điểm khó khăn này.
Điều cần làm lúc này là triển khai nghị quyết này thật nhanh bởi nói như người đứng đầu Chính phủ-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì “người dân đã không thể chờ đợi lâu hơn được nữa”. Dù thực hiện một cách nhanh chóng như vậy nhưng cũng phải thận trọng, đúng đối tượng để tránh chính sách bị trục lợi.
Ấm lòng trong đại dịch. Ảnh: Quang Vinh.
Gấp rút rà soát người nhận hỗ trợ
Vui mừng xen lẫn với băn khoăn là tâm trạng chung của đa số người lao động khi nghe tin Chính phủ đã thông qua nghị quyết về một gói an sinh xã hội, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra. Đây là gói hỗ trợ dành cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Trong đó, có một bộ phận lớn người lao động bị giảm sâu thu nhập hoặc mất việc làm bởi dịch Covid-19, gồm: Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người thuộc diện bảo trợ lao động, người nghèo…Điều người dân mong chờ nhất lúc này là sớm triển khai gói hỗ trợ này.
Chuẩn bị sẵn sàng để triển khai các gói an sinh xã hội, hiện nhiều địa phương đã chủ động rà soát các đối tượng của gói an sinh xã hội từ Chính phủ. Theo đó, UBND TP Hải Phòng vừa có văn bản 2565/UBND-TC2 về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thống kê hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh không có đăng ký thuế gửi về UBND các quận, huyện. Các thông tin gửi về Sở LĐTBXHtrong ngày 11/4/2020 và báo cáo thành phố vào ngày 12/4/2020.
Đối với ngành Giáo dục, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện chủ trì cùng Sở Giáo dục Đào tạo rà soát, thống kê người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và mất việc làm trong đơn vị sự nghiệp giáo dục, gửi danh sách cho Sở LĐTBXH trong ngày 11/4.
Tại Hà Tĩnh, giám đốc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc cũng cho biết, tỉnh đã thống kê có khoảng hơn 36.000 lao động trong diện hợp đồng lao động bị tạm thời phải nghỉ việc hoặc bị mất việc làm, người lao động làm việc tự do không có hợp đồng lao động bị mất việc làm, các hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo có hơn 142.400 người.
Tại TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 8-4, có 60% người bán vé số lưu động được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch. Trong ngày 9/4 Ủy ban MTTQ TP hoàn tất hỗ trợ cho đối tượng này; đồng thời có sự phân công các cán bộ đi đến từng khu phố để đảm bảo người dân được hỗ trợ tận tay. TP cũng sẽ tiếp tục khảo sát, giám sát các trường hợp khó khăn ở từng quận, huyện, để có các hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không để một hộ dân nào “bị bỏ lại phía sau.
Tặng quà cho người nghèo huyện Ba Tri (Bến Tre).
Đúng đối tượng, tránh trục lợi
Gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra mức đề xuất cả ngân sách Trung ương và chính sách xã hội là 62.000 tỷ đồng. Trong đó, dành phần lớn hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Tuy nhiên, triển khai gói hỗ trợ này như thế nào để chính sách không bị trục lợi và hỗ trợ đúng đối tượng lại là bài toán trong quá trình thực hiện.
Tại phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu: Sau khi các chính sách được ban hành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay và có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống; đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách hoặc thiếu sự minh bạch trong việc tổ chức thực hiện.
Gói hỗ trợ là một chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói. Theo đó, hỗ trợ người dân là rất đúng và trúng, song điều quan trọng nhất là việc tổ chức triển khai gói hỗ trợ phải đúng người, đúng đối tượng. Bởi vì 1 người có thể rơi vào 2, thậm chí là 3 nhóm đối tượng được hưởng gói chính sách hỗ trợ an sinh xã hội. Do đó, cần phải có tiêu chí cụ thể để phổ biến cho các địa phương, chính quyền cơ sở để họ nắm được, từ đó tổng hợp, theo dõi, lập danh sách để hỗ trợ kịp thời đời sống cho người dân.
Muốn tổ chức thực hiện tốt, theo ông Bùi Sỹ Lợi cần phải nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, MTTQ và các tổ chức thành viên cần vào cuộc giám sát, theo dõi. Ngoài ra, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm để tránh trùng lắp, trục lợi, tránh lạm dụng.
“Đây là chính sách nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội nên phải kịp thời, công khai, minh bạch. Thông qua chính sách này, người dân thấy được tình cảm, trách nhiệm “bà đỡ” của Nhà nước; đồng thời thể hiện tinh thần chia sẻ, đoàn kết dân tộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội của mỗi người. Làm sao vừa đạt được mục tiêu an sinh xã hội nhưng đồng thời cũng đảm bảo được an toàn trật tự xã hội, tránh chuyện thắc mắc, lợi dụng chính sách”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần phải xây dựng hệ tiêu chí cụ thể, thiết kế biểu mẫu kê khai, giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương, phối hợp với người sử dụng lao động, đoàn thể trên địa bàn để xác định đúng đối tượng. Từ đó phát huy tác dụng của chính sách trong thực tế, ngăn chặn được tình trạng trục lợi, bỏ sót.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam):
Nhanh chóng nhưng tránh trục lợi từ chính sách
Điều mọi người mong muốn là gói hỗ trợ phải trao đúng đối tượng. Với đối tượng chính sách hay các hộ nghèo, hộ cận nghèo thì bà con ở thôn bản, khu phố, chính quyền địa phương nắm rất chắc. Do đó, cần phải công khai, minh bạch danh sách những người được hỗ trợ để nhân dân giám sát, tránh việc hỗ trợ nhầm và cũng cho mọi người thấy chính sách này đã hướng tới bao nhiêu người.
Trong các nhóm đối tượng sẽ được nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội, điều băn khoăn nhất là đối tượng lao động không có hợp đồng lao động, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bởi vì sau khi phải nghỉ việc vì ảnh hưởng của dịch bệnh, những người này đã về quê hoặc bươn chải kiếm sống ở nơi khác nên việc nắm bắt được số lượng cũng như thông tin của họ sẽ gặp khó khăn.
Để nắm bắt được số người này, cần phải kết nối qua cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sử dụng lao động để họ kê khai. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc, sự giám sát của chính quyền cơ sở ở đó, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền về gói an sinh xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân đều biết đến chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thì tin chắc rằng nhóm đối tượng yếu thế sẽ sớm được nhận chế độ hỗ trợ”
Trong thực hiện chính sách, các cấp, các ngành cũng cần phải lường hết các trường hợp xuất phát từ lòng tham hay lợi dụng sự sơ hở trong quản lý để trục lợi... Muốn giảm thiểu việc này, cần phải công khai, minh bạch các chính sách trên các phương tiện truyền thông, cũng như tăng cường trách nhiệm của các cơ quan giám sát, cơ quan kiểm tra, thanh tra và có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm