Một cuộc chiến bên cạnh cuộc chiến chống Covid-19
Trong khi nhân loại đang hết sức lo lắng bởi đại dịch Covid-19, thì lại cũng xuất hiện những động thái gay cấn khác. Nhất là việc không ít ý kiến quy trách nhiệm cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà người đứng đầu là TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, khi cho rằng đã chậm trễ trong việc công bố dịch, cũng như có dấu hiệu bao che cho những hành vi tương tự. Truyền thông quốc tế cho rằng đứng đầu phe “chủ chiến” không ai khác chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vậy, trước sức ép không ngừng gia tăng, WHO và ông Tedros “chống cự” ra sao?
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kêu gọi hợp tác quốc tế
Trước diễn biến khủng khiếp của đại dịch Covid-19 cũng như “có vẻ như” thế giới rạn nứt trong cuộc đấu tranh rất cần sự chung lưng đấu cật, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi về hợp tác quốc tế trong cuộc chiến dịch.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ- ông Stephane Dujarric nêu rõ: “Chúng ta đang ở thời điểm cần đến sự khôi phục các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại Covid-19… Quan điểm này cũng đã được Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres làm rõ trong các cuộc họp báo khác nhau mà ông tham dự trong vài tuần trở lại đây”.
Theo đó, đại dịch Covid-19 đã cho thấy tính cần thiết của việc giải quyết vấn đề thông qua cách tiếp cận được cấu trúc trên cơ sở đa phương và tất cả các nước bị tác động bởi đại dịch đều có một vai trò. “Điều vô cùng quan trọng là hệ thống đa phương đó được sử dụng để chia sẻ càng nhiều thông tin và kinh nghiệm đã được đúc rút ra càng tốt, cũng như cùng phối hợp trong ứng phó”- ông Dujarric nói.
Thực tế thì LHQ cũng đã nhận ra vai trò kết nối toàn cầu như một công cụ quan trọng để chống lại sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Ngày 25/3, Tổng Thư ký LHQ đã phát động kế hoạch “ứng phó nhân đạo toàn cầu” trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 tại các nước dễ bị tổn thương nhất. Chưa hết, ông còn đề nghị các nền kinh tế trong nhóm G20 thông qua một “kế hoạch thời chiến” để đương đầu với đại dịch và tỏ rõ sự gắn kết giữa các nước này cùng các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước đang xảy ra xung đột.
Còn Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết WHO luôn mong muốn sự “quan tâm chung” của tất cả các quốc gia trong cuộc chiến này. “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi nhận thức được rằng, các cá nhân và chính phủ mong muốn làm mọi điều có thể để bảo vệ bản thân và những người khác. Chúng tôi cũng vậy”- TS Tedros nói.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi đó không hẳn đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các quốc gia.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng giám đốc WHO trước sức ép từ chức
Trong lúc đại dịch đang nóng bỏng thì xuất hiện một “lá đơn” dưới hình thức kiến nghị trực tuyến kêu gọi Tổng Giám đốc WHO- ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức. Đáng chú ý, nó thu được hơn 718.000 chữ ký trong một thời gian rất ngắn.
Đơn kiến nghị trên được tạo trên trang Change.org (có trụ sở tại Mỹ) và được dịch ra nhiều thứ tiếng (Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ả Rập). Tờ đơn khẳng định cách xử lý của các quan chức y tế (UN) thuộc LHQ và WHO đối với sự bùng phát của dịch Covid-19 là “không chấp nhận được”. Những người chủ xướng viết đơn còn cho rằng ông Tedros “không phù hợp” với vị trí người đứng đầu WHO và nên từ bỏ chức vụ ngay lập tức.
Luận điểm chính của tờ đơn là sự thất bại của ông Tedros khi không công bố dịch Covid-19 ở Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hồi cuối tháng 1. Điều đó cũng có nghĩa là WHO đã đánh giá sai tình hình dịch bệnh, mà trách nhiệm chính phải là Tổng Giám đốc Tedros khi đã không cảnh báo để các quốc gia có kế hoạch ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thờ ơ với những tác động đến sức khỏe toàn cầu.
“Xin hãy giúp thế giới lấy lại niềm tin ở UN và WHO”- tờ đơn kết luận.
Ông Tedros từng cho là đã “câu giờ” khi không chịu công bố đại dịch toàn cầu, ngày từ tháng 1 hoặc chậm lắm thì vào đầu tháng 2 để thế giới chuẩn bị ứng phó đại dịch. Từ đó đã đẩy nhân loại vào tình thế nguy hiểm khi công bố những dữ liệu về sự lây lan của dịch bệnh một cách không nhất quán, thậm chí là “bị tô vẽ”. Nhất là việc phớt lờ những bằng chứng đầu tiên về khả năng lây nhiễm từ người sang người.
Ông Tedros trước khi làm Tổng Giám đốc WHO (năm 2017) thì đã từng là Bộ trưởng y tế và sau đó là Ngoại trưởng Ethiopia.
Khu vực trung tâm Paris (Pháp) vắng lặng.
Mỹ muốn điều tra WHO và thái độ của ông Donald Trump
Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích WHO trong việc xử lý đại dịch Covid-19 của WHO đồng thời dọa sẽ ngừng cấp kinh phí cho tổ chức này.
Phát biểu trên truyền hình ABC, TS Deborah Birx- Điều phối viên của nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng cho biết tuyên bố của Tổng thống Donald Trump “không có nghĩa sẽ hạn chế hoặc ngừng vĩnh viễn cấp kinh phí cho WHO mà cần tìm hiểu những gì đã xảy ra”. Theo đó, ông Trump muốn có một cuộc điều tra trước khi đưa ra quyết định có ngừng cấp kinh phí cho WHO hay không. Mỹ hiện đang là quốc gia đóng góp kinh phí nhiều nhất cho WHO.
Ngân sách dành cho WHO ước tính khoảng 6 tỉ USD trong năm 2019, được đóng góp từ các quốc gia thành viên trên khắp thế giới. Riêng Mỹ đã tài trợ khoảng 553 triệu USD trong số đó.
WHO được thành lập năm 1948, tổng hành dinh đóng tại Geneva (Thuỵ Sĩ). Tổ chức này có khoảng 7.000 nhân viên đang hoạt động ở 150 quốc gia, sứ mệnh của họ là thúc đẩy chăm sóc y tế cơ bản, khả năng tiếp cận thuốc men và giúp đào tạo nhân viên y tế.
Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao ông Trump lại quá gay gắt với WHO mà cụ thể là với ông Tedros?
Giới quan sát Mỹ cho rằng, việc ông Trump chỉ trích WHO vì tổ chức này ban đầu đánh giá dịch bệnh không nghiêm trọng. Ngoài ra, thông qua phản đối WHO, ông Trump được cho là muốn xoa dịu những chỉ trích ngày càng gay gắt trong nước khi mà số người lây nhiễm đã ở mức đáng sợ và số người tử vong do Covid-19 còn đáng sợ hơn. Truyền thông và dư luận Mỹ đã chỉ trích cho rằng Nhà Trắng đã phản ứng quá chậm, không chịu triển khai xét nghiệm quy mô lớn và tích trữ vật tư y tế, để dẫn đến tình hình nghiêm trọng suốt thời gian qua. Tờ New York Times cho rằng ông Trump chỉ muốn “đổ trách nhiệm”, vì WHO “rõ ràng đã cảnh báo” mà Mỹ không chịu nghe.
Đáp trả
Phản ứng trước việc này, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lại cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên sát cánh với nhau để chóng lại Covid-19. “Hai bên nên bắt tay nhau để cứu sống người dân”- ông Tedros nói và thêm rằng: “Nếu các người muốn bị lợi dụng và thấy nhiều túi xác hơn thì cứ làm điều đó. Còn nếu không thì hãy dừng lại. Thông điệp ngắn gọn của tôi là: Sự đoàn kết quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đánh bại virus nguy hiểm này”.
Người đứng đầu WHO không quên nhấn mạnh: “Dịch bệnh này không phải công cụ để sử dụng cho mục đích chính trị. Điều đó giống như đùa với lửa và sẽ có ngày càng nhiều ca bệnh hơn trừ khi chúng ta đoàn kết các quốc gia, quan tâm đến người dân của mình, quan tâm đến công dân của mình. Chúng ta cần hành động. Đó là cách chúng ta đánh bại virus này”.
Trong một phản ứng khác được cho là quyết liệt hơn, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump nếu không muốn thấy nhiều người chết hơn nữa vì Covid-19 thì đừng chính trị hóa nó lên, đồng thời phản bác quan điểm của Mỹ rằng WHO phản ứng chậm chạp trước dịch bệnh. “Nếu ông muốn có thêm nhiều hơn các bao thi thể (của những người chết vì Covid-19), hãy cứ làm như vậy” - ông Tedros nhắn tới ông Trump trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ) trung tuần tháng 4.
Ông Tedros cũng không quên nhắc lại rằng ngày từ ngày 1/1/2020, WHO đã yêu cầu bộ phận Hỗ trợ quản lý sự cố phối hợp cùng các cơ quan của WHO ở cấp thế giới, cấp khu vực và cấp quốc gia - thực hiện ngay các hành động ứng phó. (Hành động được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc thông báo về sự bùng phát của bệnh viêm phổi cấp ở Vũ Hán). Và cuối tháng 1, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch Covid-19, cũng như nâng mức báo động toàn cầu lên mức “rất cao” - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo rủi ro y tế của tổ chức này.
“Chúng tôi nói rằng chúng tôi đã và đang làm mọi điều có thể và chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi điều giống như vậy, cả ngày lẫn đêm, để bảo vệ mạng sống người dân. Chúng tôi không muốn lãng phí thời gian”- ông Tedros nói. Ông cũng kêu gọi mọi người ủng hộ chương trình nhạc hội trực tuyến của ca sĩ đã và đang làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc toàn cầu là Lady Gaga với tên gọi “Một thế giới: Cùng nhau ở nhà”, dự kiến diễn ra ngày 18/4.
Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân toàn cầu về đại dịch Covid-19 và vai trò của các biện pháp giãn cách xã hội và kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu để chống dịch.