Hà Giang hỗ trợ đồng bào chống Covid-19
Hà Giang là địa bàn có hơn 87% dân số là đồng bào các dân tộc: Mông, Tày, Dao... Ngoài khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhận thức về vệ sinh, y tế... còn chưa cao. Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, để cộng đồng chung tay diệt “giặc dịch”.
Bộ đội Biên phòng tặng khẩu trang cho người dân huyện Vị Xuyên.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Giang có những đặc thù riêng. Là một trong những tỉnh nghèo ở vùng núi phía Bắc, ngoài những khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị..., một vấn đề quan trọng khác là nhận thức của một bộ phận bà con DTTS còn chưa cao. Công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng nhiều khi còn khó khăn, do vẫn còn không ít người chưa biết, chưa thạo tiếng Kinh; hoặc còn thiếu các phương tiện nghe, nhìn. Thực tế ấy đòi hỏi BCĐ phòng chống dịch bệnh các cấp trên địa bàn phải nỗ lực vượt khó trong thực hiện “chống dịch như chống giặc”.
Xã Tân Bắc (huyện Quang Bình) là một điển hình. Địa bàn xã Tân Bắc có nhiều gia đình người Pà Thẻn, người Dao sinh sống, đồng bào lại phân tán ở các thôn bản xa xôi nên chỉ khu vực trung tâm xã có thể cập nhật kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh qua loa phát thanh; qua xe tuyên truyền lưu động của huyện. Để khắc phục khó khăn này, BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 xã phải cử cán bộ đến từng hộ gia đình để vận động. Trong đó, chú trọng cử cán bộ biết tiếng Pà Thẻn, tiếng Dao đến các hộ gia đình, để tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch bệnh bằng ngôn ngữ của bà con.
Những nội dung phòng, chống dịch bệnh cũng phải được đơn giản hoá, dễ nắm bắt như: Hạn chế ra ngoài, đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Bên cạnh đó, cũng phổ biến đến các hộ gia đình có con em đi làm ăn xa tại các tỉnh khi trở về địa phương cần đến ngay cơ sở y tế để khai báo và kiểm tra, theo dõi tình hình sức khoẻ, qua đó chủ động cách ly 14 ngày theo quy định; không được tuyên truyền, đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh gây hoang mang.
Một đặc thù trong sinh hoạt của đồng bào DTTS huyện Hà Giang là sinh hoạt tại chợ phiên. Những chợ phiên nằm rải rác khắp các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Vị Xuyên, Xín Mần... Có những phiên chợ hàng nghìn người đem sản vật đến bán, và đi “chơi chợ”.
Trong suốt giai đoạn tháng 2 và tháng 3/2020, BCĐ phòng, chống dịch các cấp đã tranh thủ hoạt động tại các chợ phiên để tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch; thậm chí, Đoàn Thanh niên các huyện Xín Mần, Quản Bạ còn hướng dẫn trực quan cho bà con cách rửa tay bằng xà phòng sao cho hiệu quả ngay giữa phiên chợ.
Chị Mùa Thị Chở, người từng đi chợ phiên Cốc Pài (huyện Xín Mần) phấn khởi chia sẻ: “Dạo trước mình đi chợ phiên, được Đoàn Thanh niên phát tặng xà phòng, khẩu trang. Mình vui lắm. Xà phòng đến bây giờ dùng vẫn còn này. Mình được các bạn hướng dẫn về cách phòng dịch và đã về phổ biến cho mọi người”. Tuy nhiên, khi dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng tại Việt Nam, tỉnh Hà Giang đã cho dừng hoạt động của tất cả các chợ phiên từ cuối tháng 3.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vai trò của vận động, tuyên truyền hết sức quan trọng. Là thành viên của BCĐ phòng, chống dịch bệnh, MTTQ các cấp luôn bám sát chỉ đạo của trung ương, địa phương để thực huyện công tác tuyên truyền, vận động đến các khu dân cư. Hà Giang có nhiều người lao động ở Trung Quốc nên việc lập danh sách những người từ Trung Quốc về, vận động bà con không vượt biên trái phép... phải dựa vào hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở.
Ông Sùng Mí Sính, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) chia sẻ: “Với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, bà con nhân dân hiện nay đã dễ dàng nắm bắt được các thông tin về tình hình dịch bệnh hơn trước. Tuy nhiên, địa bàn vùng cao, huyện đã biên dịch nội dung tuyên truyền băng tiếng địa phương để nhân dân dễ nghe, hiểu. Bên cạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cán bộ MTTQ chúng tôi còn tuyên truyền cho nhân dân không nên quá hoang mang, nhất là cảnh giác trước những thông tin không chính thống, thông tin sai về tình hình dịch bệnh trên mạng xã hội”.
Từ ngày 1/4, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung bước sang một giai đoạn mới.