Xuất khẩu khẩu trang: Không thể là giải pháp lâu dài
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn kéo dài do dịch bệnh Covid-19 tác động, việc các doanh nghiệp (DN) ngành may mặc chuyển hướng sản xuất khẩu trang để xuất khẩu là một hướng đi đúng đắn, nhưng cũng không phải là giải pháp lâu dài.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu cấp thiết của xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.
Một trong những DN dệt may đã và đang bắt tay vào sản xuất khẩu trang để xuất khẩu phải kể đến Tổng công ty May 10. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10, dịch bệnh Covid-19 khiến cho toàn công ty có nguy cơ thiếu hụt 30% đơn hàng trong tháng 4 này. Song,thị trường thế giới đang rất cần sản phẩm khẩu trang, bởi vậy việc sản xuất khẩu trang để xuất khẩu sẽ phần nào bù đắp bớt những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho hoạt động xuất khẩu dệt may của công ty. Được biết, Tổng công ty May 10 đã có đơn hàng 20 triệu khẩu trang vải do đối tác bên Mỹ đặt mua, đối tác Đức là 2 triệu chiếc.
Tổng Công ty May 10 chỉ là một trong số các DN dệt may hoàn toàn có năng lực sản xuất khẩu trang để cung ứng cho thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới. Bộ Công thương cho biết, tiềm năng sản xuất mặt hàng khẩu trang của các DN dệt may là rất lớn. Chỉ tính riêng 50 DN đã có báo cáo với Bộ Công thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều. Năng lực sản xuất khẩu trang vải có thể tăng thêm, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường. Còn về nguyên liệu sản xuất, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, về cơ bản không quá khắt khe.
Trước đây, các DN phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn, nhưng hiện nay có nhiều DN trong nước, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, theo vị Phó Cục trưởng Cục Xuất nhâp khẩu thì để có thể coi đây là một ngành sản xuất lâu dài, thì cần phải tính đến nhiều yếu tố. Cụ thể, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Mặt khác, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.
“Các DN dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng”- đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.
Được biết, để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu khẩu trang vải, thời gian qua, Bộ Công thương đã cử đoàn công tác đi làm việc tại các DN dệt may, nắm tình hình và năng lực sản xuất khẩu trang vải, tổ chức kết nối các DN sản xuất khẩu trang vải với các DN phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước.
Tuy vậy, dù mặt hàng khẩu trang đang rất cần thiết (kể cả xuất khẩu), nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế khi dịch bệnh đang hoành hành, sau đó sẽ giảm dần. Bởi vậy, về lâu dài, các DN dệt may vẫn phải đặt trọng tâm vào các sản phẩm dệt may truyền thống. Và để có thể nâng sức cạnh tranh, ngành dệt may phải từng bước tái cơ cấu hoạt động, chủ động nguồn nguyên liệu, vươn lên làm chủ các khâu trong chuỗi sản xuất, tránh phụ thuộc vào đối tác…