Xóa tháp ngược, tạo nền tảng phát triển
Kể từ mùa giải 2021, 3 hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam là V-League, hạng Nhất và hạng Nhì sẽ đều có 14 đội tham dự. Quyết định của VFF đã xóa bỏ nghịch lý “hạng dưới ít đội hơn hạng trên” vốn đã tồn tại nhiều năm qua. Thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn, giúp giải đấu có tính cạnh tranh, tạo được sức hút với các nhà đầu tư bóng đá.
Giải hạng Nhất 2020 sẽ có 3 suất thăng hạng để đảm bảo đủ 14 CLB dự mùa 2021.
Xóa tháp ngược
Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Khánh Hải vừa thay mặt Ban chấp hành VFF ký quyết định về việc quy hoạch số lượng đội tham dự giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023.
Theo nội dung ở quyết định này, 3 giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam là V-League, hạng Nhất và hạng Nhì đều có 14 đội. Quyết định cũng nêu rõ, đội đứng thứ 12 (cuối cùng) của giải hạng Nhất 2020 sẽ phải xuống chơi ở hạng Nhì 2021. 3 đội có thành tích tốt nhất ở giải hạng Nhì 2020 sẽ lên chơi ở giải hạng Nhất 2021.
Việc nâng số lượng các đội ở hạng Nhất lên 14 đã xóa bỏ nghịch lý trong cơ cấu số lượng các CLB tham dự sân chơi này vốn đã tồn tại gần chục năm qua. Kể từ mùa 2015, khi V-League “quy hoạch” đủ 14 CLB, số lượng các đội tham dự giải hạng Nhất sụt giảm thất thường. Đến mùa 2016, số đội tham dự hạng Nhất nâng lên con số 10, nhưng đến mùa 2017, số lượng giảm xuống còn 7 đội, chỉ bằng một nửa so với V-League. Gần đây nhất, ở mùa giải năm 2019, giải vô địch quốc gia có 14 đội tham dự nhưng giải hạng Nhất chỉ có 12 đội và giải hạng Nhì gồm 14 đội. Việc các giải hạng Nhất và hạng Nhì luôn có số đội tham dự ít hơn giải vô địch quốc gia khiến cho nhiều chuyên gia bóng đá lo ngại về sự phát triển theo hình tháp ngược, theo hướng không phát triển vững chãi của bóng đá Việt Nam. Bởi ở các nền bóng đá phát triển, những giải đấu cấp thấp hơn được ví như chân đế với số lượng đội tham dự nhiều hơn để làm bệ đỡ cho giải đấu cấp trên, còn Việt Nam thì ngược lại…
Ổn định để phát triển
Những năm qua, giải hạng Nhất không có số lượng đội tham dự ổn định bởi nhiều nguyên nhân trong đó cốt lõi nhất vẫn là kinh phí hoạt động. Trước mỗi mùa bóng, các nhà tổ chức luôn lo lắng sẽ có đội bỏ giải, dẫn đến việc có thể phải xáo trộn công tác tổ chức thi đấu. Như trước giải hạng Nhất 2019, Bình Định được cho là không thể tham dự vào phút chót do thiếu kinh phí. Nhưng rất may là cuối cùng, họ vẫn tiếp tục có mặt, tránh cho sân chơi này rơi vào cảnh số lượng đội tham dự là lẻ.
Việc nâng số lượng các đội hạng Nhất và hạng Nhì lên con số 14, ngang với V-League, tạo nên sự cân bằng trong công tác tổ chức thi đấu. Theo đó, các sân chơi này sẽ được tổ chức song song, cùng thời điểm kể từ mùa giải 2021. Sẽ không còn cảnh V-League diễn ra trước, hạng Nhất mới lẽo đẽo theo sau nhưng lại phải kết thúc trước. Khi đội hạng Nhất giành quyền đá play-off, họ phải tập chay để đợi V-League kết thúc mới có thể tham dự trận đấu loại trực tiếp tranh vé lên chơi ở V-League. Hơn nữa, việc hạng Nhất có 14 đội có thể đem đến quyền lợi cao hơn khi có 2 suất thăng hạng trực tiếp thay vì 1,5 suất như hiện tại. Việc tăng số đội từ 12 lên 14 cũng mang đến thay đổi cho giải hạng Nhất 2021.
Ông Cao Văn Chóng- Phó Chủ tịch VFF cho biết “Các đội hạng Nhất thi đấu không có cầu thủ ngoại, ngân sách hoạt động ở mức vừa phải nên Ban chấp hành VFF xét thấy từ mùa giải 2021 là thời điểm phù hợp để tăng số đội ở giải hạng Nhất. Phương án này được các CLB đồng thuận cao, tạo điều kiện để các địa phương phát triển phong trào”.
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VPF cũng chia sẻ: “Trước mắt sẽ có nhiều thứ tăng lên khi số đội của giải hạng Nhất được nâng lên thành 14, từ số trận đấu, chi phí của nhiều hạng mục cho giải, quyền lợi của các CLB, thời gian tổ chức giải… Về tính chất cạnh tranh, cá nhân tôi nghĩ sẽ còn dựa trên mục tiêu của các đội tham dự. Nếu giải có từ 3-4 CLB sẵn sàng cho mục tiêu thăng hạng V-League thì tất nhiên chất lượng của giải sẽ tăng cao hơn”.
Theo nhiều chuyên gia việc số lượng các đội tham dự giải hạng Nhất và V-League có sự tương đương sẽ giúp cầu thủ trẻ được tạo điều kiện thi đấu nhiều. Khoảng cách trình độ giữa hai giải sẽ được thu hẹp dần. Bên cạnh đó, nhiều đội hơn, sự sòng phẳng trong thi đấu được chú trọng thì hẳn nhiên giải sẽ có tính cạnh tranh hơn, qua đó tạo được sức hút nhiều hơn nữa với các nhà đầu tư bóng đá. Với việc V-League tăng số lượng đội ở giải Hạng Nhất sẽ giúp các đội tăng thêm số trận thi đấu, qua đó tích lũy thêm kinh nghiệm trận mạc. Điều đó cũng tạo nên bước đệm để khi lên V-League, họ có sự chuẩn bị tốt hơn, tâm thế sẵn sàng hơn.