Hỗ trợ phải nhanh chóng đến tay người dân
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký Nghị quyết về gói an sinh xã hội hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Vấn đề được đặt ra là làm sao để việc hỗ trợ nhanh chóng và đến đúng đối tượng thụ hưởng, tránh việc chính sách bị lợi dụng, trục lợi. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với Đại Đoàn kết về vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Phương.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, dịch Covid-19 đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là người nghèo, người có công với cách mạng, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn như: Các đối tượng bán vé số, người lao động không có việc làm, mất việc do ảnh hưởng của dịch. Cho nên chủ trương của Đảng, hành động của Chính phủ thông qua việc ban hành chính sách an sinh xã hội với gói hỗ trợ này là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân.
Bên cạnh đó, với phương châm phải tìm mọi cách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, chúng ta cũng có chính sách để giãn, miễn, hoãn thuế cho doanh nghiệp, hay ngân hàng giảm lãi suất nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp tồn tại.
Đặc biệt để có thêm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 để kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân chung tay đóng góp để Nhà nước có thêm nguồn lực tập trung cho công tác phòng chống dịch.
Cùng với Chính phủ và Mặt trận, hiện các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đang tìm mọi cách để hỗ trợ cho người nghèo. Ví dụ như tại Hà Nội, và TP Hồ Chí Minh có cây “ATM” gạo, ai có gạo mang đến góp để cho người nghèo đến lấy. Tôi xin nhấn mạnh rằng, đây là chủ trương đúng đắn và có hiệu quả, là truyền thống tốt đẹp tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng. Bây giờ làm sao kêu gọi, động viên khuyến khích được nhiều người tham gia hưởng ứng, cùng chung tay đóng góp nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh.
PV: Điều quan trọng nhất trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ là làm sao việc hỗ trợ đúng với đối tượng được thụ hưởng. Vậy theo ông làm sao để gói hỗ trợ đến đúng được đối tượng thụ hưởng, bảo đảm công bằng, không bỏ sót nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng?
Ông Nguyễn Ngọc Phương: Việc hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách là việc làm ý nghĩa, mang tính truyền thống của dân tộc ta. Đây cũng là việc làm đã được chúng ta tiến hành bài bản, có hiệu quả và đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên thực tế cá biệt cũng có những đối tượng, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi. Chủ trương của Đảng, quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ người dân là đúng đắn, song việc có những đối tượng tìm cách trục lợi, mang lại lợi ích cho mình là việc làm đáng lên án, làm xấu đi hình ảnh, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta. Vì vậy từ các bài học kinh nghiệm đã diễn ra trong thời gian qua, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phần ngân sách hỗ trợ cho ai thì người đó phải được, loại trừ những đối tượng trục lợi. Các đối tượng lợi dụng để trục lợi phải bị xử lý nghiêm, vi phạm ở mức độ cao phải bị truy tố. Làm như vậy mới góp phần răn đe được. Đây là chủ trương đúng đắn, nhân văn cho nên phải đúng đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ thì chính sách mới trúng, đi vào cuộc sống.
Vậy trong vấn đề hỗ trợ, theo ông làm sao để chính sách đến nhanh với người được hỗ trợ, thưa ông?
-Trên thực tế có việc nhiều doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ họ muốn tài trợ trực tiếp, trao tận tay người dân chứ không muốn thông qua tổ chức. Còn khi không có điều kiện đến trực tiếp thì họ hỗ trợ thông qua, MTTQ Việt Nam, hay Hội Chữ thập đỏ. Như tôi đã đề cập ở trên, trong quá trình hỗ trợ cho người dân, cá biệt vẫn có hiện tượng trục lợi chính sách. Do đó chúng ta cần tìm cách khắc phục tình trạng này, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Như thế khoản hỗ trợ mới nhanh chóng đến tận tay người dân.
Một vấn đề được đặt ra đó là gói hỗ trợ được diễn ra trong 3 tháng nhưng dịch sẽ còn phức tạp. Nhà nước không thể hỗ trợ mãi, vậy theo ông chúng ta cần có giải pháp nào để sau 3 tháng đó người dân tự biết vươn lên trong sản xuất, tránh việc ỉ lại hỗ trợ?
-Việc hỗ trợ là giải pháp mang tính đột xuất trong lúc người dân gặp khó khăn. Đối với người dân, người nghèo khó thì chủ trương của Đảng bao giờ cũng vừa hỗ trợ, vừa tìm giải pháp cho họ khắc phục khó khăn trước mắt, và có định hướng để họ vươn lên. Nếu người dân chỉ trông chờ khoản hỗ trợ để sống thì cuộc sống không bao giờ vững chắc, bền vững cả. Cho nên bao giờ cũng thế, chủ trương chính sách của Đảng là vừa kêu gọi tài trợ nhưng cũng vừa có chủ trương chính sách để giải quyết việc làm, tìm định hướng cho người dân như lâu nay chúng ta hay nói “cho cần câu chứ không cho cá”. Chính vì thế, muốn chính sách có hiệu quả thì từng nơi, từng địa điểm, và các cơ quan truyền thông báo chí cần vào cuộc tuyên truyền để định hướng cho người dân về những cách làm hay trong sản xuất kinh doanh, đừng bao giờ ỉ lại khoản hỗ trợ mà phải có ý chí vươn lên.
Trân trọng cảm ơn ông!