Thị trường bất động sản: Không có chuyện nhà đầu tư bán tháo
Dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản (BĐS) trở nên trầm lắng. Dư luận xuất hiện thông tin nhiều nhà đầu tư chịu lỗ bán tháo BĐS vì lo ngại dịch Covid-19 tác động mạnh và kéo dài. Tuy nhiên, giới chuyên gia lĩnh vực này khẳng định, hoàn toàn không có tình trạng bán tháo BĐS như đồn thổi.
Vào thời điểm này, giao dịch bất động sản “ngủ đông”.
Nhà đầu tư nghe ngóng
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài tác động mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó có BĐS. Thực tế thì BĐS từ cuối năm 2019 đến nay liên tục gặp khó dẫn đến sự ảm đạm của thị trường. Nhiều chủ dự án buộc phải giảm giá hoặc gia tăng khuyến mãi để thu hút người mua. Vậy nhưng tình hình vẫn không khá hơn, lượng giao dịch trong 3 tháng đầu năm 2020 rất trầm lắng.
Từ đó, gần đây xuất hiện thông tin có hiện tượng bán tháo, bán lỗ, giải chấp BĐS do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thực hư câu chuyện này ra sao?
Trao đổi với PV, ông Đặng Xuân Thi (Công ty BĐS Thiên Khôi) khẳng định không có hiện tượng bán tháo BĐS trong thời gian qua. Ông Thi cho biết, thị trường BĐS từ sau Tết Nguyên đán trở lại đây có rất ít giao dịch nếu không muốn nói là trầm lắng. Nếu có tình trạng bán tháo thì chỉ xảy ra ở các dự án chung cư, vì dịch bệnh hoành hành nên nhiều người dân không muốn ở chung cư để tránh việc phải tiếp xúc với đông người, tránh nguy cơ lây bệnh. Chính bởi vâỵ sẽ có nhiều chủ đầu tư thay đổi ý định khi đã chót đổ tiền vào những dự án chung cư. Còn đối với đất nền ở thời điểm này hoàn toàn yên ắng, không có một biểu hiện nào cho thấy giới đầu tư vào phân khúc đất nền có ý định bán. Ngược lại họ đang lặng yên để lắng nghe tín hiệu từ thị trường.
“Dịch bệnh khiến cho giao dịch BĐS gần như đứng yên, giá xuống thấp nên sẽ không ai đi bán ở thời điểm này cả”- ông Thi nói đồng thời cho biết thêm, giá đất nền hiện nay vẫn khá ổn định, không có dấu hiệu giảm sâu như một số thông tin trên mạng xã hội đưa tin. Với những nhà đầu tư vào phân khúc đất nền, thời điểm này họ sẽ tiếp tục nghe ngóng, chờ khi hết dịch, thị trường sôi động trở lại mới tính tiếp.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thùy Anh, một nhà đầu tư BĐS cũng cho biết, thị trường này đang trầm lắng nên bà cũng sẽ không đả động gì đến chuyện mua bán, giao dịch BĐS, vì trong thời điểm này bán là lỗ nặng, do đó, cứ để hết dịch sẽ tính. Cũng theo bà Thùy Anh, kể cả nhà đầu tư có chấp nhận việc bán tháo, cắt lỗ thời điểm này cũng sẽ không thể đẩy hàng đi theo ý của mình được. “Dịch bệnh hoành hành nên không có người mua nào muốn đi xem hàng trực tiếp, trong khi đối với lĩnh vực BĐSn thì không thể xem hàng online mà quyết định mua được. Nhiều bài học đã rất thấm”- bà Thùy Anh nói.
Thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục ngay
Cũng khẳng định, thông tin bán tháo BĐS chỉ là tin đồn, hoàn toàn không có thực, ông Nguyễn Hùng Minh (Câu lạc bộ BĐS Hà Nội) cho biết, tình hình thị trường BĐS hiện nay đang rất trầm lắng, kể cả trước khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành thị thị trường này cũng đã ảm đạm. “Nếu có thể nói thị trường BĐS đang ở tình trạng “ngủ đông” cũng không sai. Kể cả người bán có muốn bán cũng không bán được”- ông Minh khẳng định và cho biết thêm, thị trường BĐS thời gian quan liên tục có những biến động mạnh, từ sự vụ “Alibaba”, sau đó là “cơn chấn động condotel” khiến cho các chủ đầu tư thận trọng hơn nhiều đối với các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án trên giấy. Và theo dự đoán của vị chuyên gia, sự trầm lắng này của thị trường BĐS sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, và ít nhất phải sang đầu năm 2021 mới có thể hồi phục lại được.
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, hiện BĐS vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, người dân có niềm tin dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, khống chế và nền kinh tế cũng như thị trường BĐS sẽ phục hồi, tăng trưởng trở lại nên bán tháo lúc này là rất khó.
Dự báo về tình hình thị trường BĐS thời gian tới, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nêu quan điểm, nếu đại dịch được kiểm soát hoàn toàn trong quý 2/2020, loạt dự án mới sẽ ra hàng đúng với kế hoạch mở bán trước đó, riêng tại TP Hồ Chí Minh, nguồn cung có thể đạt khoảng 25.000 căn chào bán. Tuy nhiên trong tình trạng xấu hơn, nếu hết quý 3/2020 dịch Covid-19 mới chấm dứt, lượng sản phẩm chào bán tại địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn khoảng 15.000 căn. Thị trường Hà Nội cũng không nằm ngoại lệ vì những tác động của dịch Covid-19. Trong tình trạng xấu nhất, nhiều dự án có thể phải dời sang năm 2021 mới triển khai chào bán.