Chuyển đổi cây trồng để tháo gỡ khó khăn
Từ đầu năm tới nay, nhiều nơi đất khô hạn (nhất là vùng Tây Nguyên), trong khi đó tại Đồng bằng sông Cửu Long lại bị nước mặn tấn công. Thích ứng với biến đổi khí hậu, nông dân tại nhiều nơi đã chủ động chuyển đổi cây trồng. Bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ.
Nhiều hộ nông dân huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang) chủ động chuyển đổi cây trồng.
Tại Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, nông dân trồng hoa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do giá các loại hoa liên tục sụt giảm và kéo dài. Trong khi đó, giá thuê nhân công thu hoạch và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu... vẫn ở mức cao. Trong khi đó, các biểu hiện cực đoan của thời tiết cũng đã ảnh hưởng lớn tới nhiều loại hoa.
Ở vùng trồng hoa trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng là huyện Lạc Dương, nhiều nhà vườn bị thất thu nặng do giá hoa xuống thấp, tiêu thụ lại rất chậm, số lượng ít. Một người dân ở tổ dân phố Lang Biang cho biết: Gia đình anh hiện có 8 sào hoa hồng trồng trong nhà kính. Trung bình, mỗi ngày vườn hoa hồng của anh cung cấp cho thị trường hơn 5.000 cành hoa các loại. Tuy nhiên, hiện các vựa chỉ mua trên dưới 2.000 cành 1 ngày. Theo số liệu thống kê, riêng về hoa hồng, toàn huyện Lạc Dương có trên 200 ha, 90% tập trung tại thị trấn Lạc Dương với hơn 50 vựa thu mua lớn nhỏ.
Không bó tay trước khó khăn, nhiều hộ trồng hoa ở Lâm Đồng đã đẩy mạnh cải tạo, mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang các giống mới, phục hồi vườn cây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nhiều nông dân trồng hoa có xu hướng chuyển một phần diện tích sang trồng nông sản ngắn ngày. Đây là việc làm rất linh động, hiệu quả. Bà con nông dân trồng hoa cho biết, đây là thời điểm thích hợp để nhà vườn tiến hành cải tạo vườn, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sản xuất sang các giống mới hoặc tập trung phục hồi vườn cây sau một quá trình dài thu hoạch. Theo cán bộ nông nghiệp huyện Lạc Dương khi thị trường tiêu thụ chậm thì đòi hỏi ngành nông nghiệp và nông dân phải có những bước đi thích hợp trong việc chuyển đổi sản xuất, cơ cấu lại một cách toàn diện, để vừa khai thác lợi thế, vừa phát triển ổn định.
Đối với các diện tích trồng hoa cắt cành ngắn ngày như cúc, cát tường, khi kết thúc vụ người dân có thể linh hoạt chuyển đổi sang canh tác các loại nông sản ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, lại vừa có tác dụng cải tạo đất, hạn chế tình trạng dịch bệnh tồn dư lâu ngày khi canh tác thuần một loại hoa. Trong khi đó, hoa hồng lại là cây trồng lâu năm, người dân cần tập trung chăm sóc, cải tạo vườn hoa, nâng cấp trồng giống mới thay thế cho những vườn đã cũ, không còn phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Còn tại tỉnh Quảng Trị, theo cơ quan chức năng, sẽ có khoảng 1.300 ha diện tích đất lúa không thể trồng lúa được trong vụ Hè Thu 2020, do khô hạn. Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã và đang hướng dẫn bà con nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng trên những diện tích có nguy cơ thiếu nước sang trồng các loại cây trên cạn có khả năng chịu hạn. Bà con cũng cần chuyển từ giống lúa dài ngày sang lúa ngắn và cực ngắn ngày, để hạn chế tối đa thiệt hại; sử dụng các giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn cao; tổ chức các đợt ra quân nạo vét kênh mương, ao, hồ để giữ nước. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh Quảng Trị cũng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, từ tháng 2 đến tháng 7/2020, dòng chảy trên các sông ở Quảng Trị biến đổi chậm; lưu lượng dòng chảy thượng nguồn thiếu hụt từ 50 - 75%, so với lượng dòng chảy trung bình nhiều năm cùng kỳ. Trên một số sông, mực nước thấp nhất, có khả năng đạt giá trị thấp nhất, trong chuỗi số liệu quan trắc kể từ năm 1976 đến 2019.