Đề xuất giải pháp thực hiện cách ly xã hội sau ngày 15/4
Các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí…
Đã có sự chủ quan trong việc phòng bệnh khi người dân không giữ khoảng cách 2m khi mua hàng.
Sáng 14/4, tại Bộ Y tế, nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ thông tin do Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đã rà soát lại các kết quả nghiên cứu để giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện “cách ly xã hội” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đã dự họp và nghe báo cáo.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ đầu tháng 3/2020, cùng với việc thực hiện truy vết các ca F0 để xác định các đối tượng F1, F2, F3 phục vụ mục tiêu cách ly, khoanh vùng, dập dịch, các nhà khoa học đã bắt tay xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, thành phố. Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương.
Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương được phân theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.
Các chuyên gia tập trung rà soát nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng “cách ly xã hội” như quy định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện “nới lỏng”. Đặc biệt, Nhóm cũng thảo luận những biện pháp cần thống nhất áp dụng trên quy mô cả nước (cho cả 3 nhóm) để Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 15/4.
Theo đó, các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi giải trí… Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền thì những người tham gia phải được giám sát y tế theo quy định riêng.
Ngoài các biện pháp quy định chung, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép.
Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó của từng địa phương đặc biệt là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm; và năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tính kỷ cương trong phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, đơn cử như việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Nếu các biện pháp cơ bản đó được thực hiện nghiêm thì nguy cơ bùng phát sẽ giảm đáng kể.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đề nghị các địa phương cần sớm phân công đầu mối để cập nhật dữ liệu và sẵn sàng thực hiện truy vết khi xuất hiện ca bệnh trên địa bàn, Nhóm sẽ thực hiện kết nối, hướng dẫn, tập huấn để hình thành mạng lưới phản ứng đều khắp trên cả nước. Khi dữ liệu được cập nhật các tỉnh thành phố có thể phân mức độ nguy cơ tới quy mô quận, huyện và ngày càng nhỏ để có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp, linh hoạt, hiệu quả hơn.