Thay đổi nhận thức
Tôi nhớ mãi vẻ mặt hốt hoảng của một người thân khi bà nghe tin con trai vừa đi hiến máu tình nguyện ở trường đại học. Nhiều bạn sinh viên kể rằng đã phải nói dối cha mẹ khi tham gia hiến máu tình nguyện. Chưa kể việc hiến máu lâu nay vẫn được mặc định là dành cho thanh niên, những người trẻ tuổi…
Hiến máu tình nguyện tại UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày 13/4. Ảnh: Quang Vinh.
Những quan niệm chưa đúng ấy cần phải được thay đổi để hiến máu tình nguyện trở thành một phong trào rộng khắp, ở nhiều đối tượng, nhiều lực lượng khác nhau trong độ tuổi cho phép. Với sự tham gia tuyên truyền, vận động của hệ thống MTTQ các cấp tới đây, hiến máu tình nguyện hy vọng sẽ có những chuyển biến từ nhận thức tới hành động. Hiến máu tình nguyện ngoài việc thể hiện trách nhiệm của mỗi người, nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Lễ phát động toàn dân hiến máu tình nguyện, thì phải phát huy được tính nêu gương để đăng ký hiến máu và ủng hộ các hoạt động hiến máu tình nguyện. Để hiến máu trở thành nét đẹp văn hoá, nhân văn trong xã hội.
Nói về sự chuyển biến nhận thức, phải thừa nhận cái suy nghĩ máu thịt là của cha mẹ cho nên con người ta phải giữ gìn là một định kiến vốn có từ xa xưa. Hơn nữa, trong suy nghĩ truyền thống, để bảo vệ sức khoẻ thì không thể để tổn hại đến máu huyết, hiến máu được xem như việc không có lợi cho sức khoẻ. Chưa kể trong quan niệm của nhiều người, phải khốn cùng lắm người ta mới đi bán máu, đem cả thứ quý báu của mình đi bán, cho nên chiếu ngang sang thì lấy máu cho người khác vốn là việc ngại ngần lắm…
Máu không thể sản xuất ra mà chỉ đến từ việc hiến máu nhân đạo, cho nên thiếu máu là bài toán rất khó khăn của ngành y tế. Định kiến xã hội sâu sắc tới mức thiếu máu còn diễn ra theo mùa, ví dụ vào tháng trước và sau Tết cổ truyền, hầu như không có mấy người đi hiến máu. Muốn có sự thay đổi về nhận thức trong xã hội, rất cần sự tuyên truyền, vận động của các cấp Mặt trận, để hiến máu tình nguyện trở thành một phong trào toàn dân. Phải tuyên truyền để nhân dân hiểu hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có nhiều tác dụng tích cực đối với cơ thể của người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian và sức lực cho cá nhân nhưng rất cần thiết cho xã hội.
Khi cho đi một lượng máu nhất định, người hiến máu được nhận một giấy chứng nhận, sau này trong cuộc đời, nếu chẳng may có lúc cần được truyền máu, chỉ cần đưa giấy chứng nhận ra thì sẽ nhận được đúng lượng máu đã từng hiến, miễn phí… Chi tiết này không phải ai cũng biết. Và đã cho đi không ai muốn có ngày mình lại phải nhận lại. Nhưng nếu chúng ta suy ngẫm về sự cho và nhận ở đời, sẽ thấy đây là chi tiết rất thú vị về lẽ nhân sinh. Một người bạn tôi hàng năm vẫn đi hiến máu, anh bảo rằng muốn trả nợ cuộc đời vì có lần vợ con anh đã từng phải truyền máu.
Như đã nói ở trên, gánh nặng đảm bảo an toàn máu đang được xã hội hầu như đặt lên vai thanh niên, trong khi độ tuổi hiến máu theo quy định từ 18-60. Với việc Mặt trận vừa phát động, hiến máu tình nguyện phải trở thành một phong trào toàn dân, người có thể thì tham gia hiến máu, mà người không đủ điều kiện thì ủng hộ cho việc hiến máu nhân đạo. Chỉ có sự thay đổi nhận thức sâu sắc này mới có thể thay đổi độ tuổi và tầng lợp tham gia hiến máu nhân đạo. Hiện nay sinh viên vẫn chiếm tới hơn 50% những người hiến máu, do các phong trào hiến máu được triển khai chủ yếu tại các trường đại học. Ngay cả các sinh viên này khi ra trường đi làm cũng lập tức bỏ ngay suy nghĩ về trách nhiệm hiến máu. Việc dịch chuyển đối tượng hiến máu đang hết sức cần thiết, vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động tình nguyện này thì mới có thể đáp ứng nhu cầu về máu, tránh việc thiếu máu trầm trọng vào một số thời điểm (ví dụ khi sinh viên nghỉ hè là hầu như không có người hiến máu).
Một bác sĩ nói với chúng tôi rằng nếu việc hiến máu tình nguyện lan toả tích cực hơn tới các cán bộ công chức và các tầng lớp xã hội khác thì việc người ta hiến máu một lần, sau đó lại hiến máu nhắc lại là rất khả thi. Chỉ khi nào có nhiều người tham gia hiến máu tình nguyện rồi tiếp tục hiến máu nhắc lại thì mới không còn tình trạng thiếu máu nữa.
Muốn hiến máu tình nguyện trở thành một phong trào nhân đạo toàn dân, có lẽ cần thay đổi bắt đầu từ thông điệp vận động cũng như phương thức vận động. Vận động hiến máu không phải chỉ là việc làm theo thời vụ mà phải hướng tới sự bền vững, ổn định, chất lượng. Người Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, thương người như thể thương thân nên việc vận động để người dân hiểu đúng từ đó tích cực tham gia hiến máu tình nguyện cũng không phải là việc quá khó, dù thay đổi nhận thức cũng không phải là câu chuyện một sớm, một chiều.
Hiến máu nhân đạo không còn là trách nhiệm bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Máu là thuốc điều trị quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.
Với tinh thần vận động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ giúp thay đổi về nhận thức và hành động, để mỗi người trong xã hội coi việc được hiến máu là rất đáng tự hào bởi bản thân họ đã giúp được những người bệnh đang đau ốm, thậm chí là nguy kịch có được sự sống. Nghĩa cử cao đẹp ấy cần được lan tỏa khắp mọi nơi, trở thành nét đẹp văn hoá, nhân văn trong xã hội.