Các CLB gồng mình trong mùa dịch
Covid-19 đã mang tới một cuộc khủng hoảng về kinh tế trên toàn cầu, và cách mà rất nhiều tổ chức lựa chọn là giảm lương để cùng nhau vượt qua khó khăn. Tại V-League đã có những đội buộc phải thực hiện việc cắt giảm lương cầu thủ nhằm giảm gánh nặng chi phí.
Nhiều đội bóng cắt giảm lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bóng đá cũng giống như tất cả những ngành nghề khác trong xã hội, nó đều chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19. Hiện, đội bóng đá nữ Sơn La đang đứng trước nguy cơ giải tán do không có kinh phí hoạt động; một loạt CLB V-League đã và đang có động thái giảm lương cầu thủ. Các CLB thuộc hệ thống 3 giải chuyên nghiệp quốc gia 2020 là V-League, hạng Nhất, Cúp quốc gia chưa thu được đồng nào từ tiền bán vé do giải bị hoãn hoặc thi đấu trên sân không khán giả. Giải tạm hoãn nhưng CLB vẫn đều đặn phải trả phí sinh hoạt, trả lương cầu thủ theo hợp đồng đã ký, vì vậy để duy trì hoạt động, việc cắt giảm lương cầu thủ đã được nhiều CLB bắt đầu thực hiện.
Hàng loạt CLB đã phải giảm lương vì bị ảnh hưởng tài chính, có thể kể tới Nam Định; TP HCM và Thanh Hóa. DNH Nam Định là CLB đầu tiên công bố giảm lương. Theo đó, toàn đội thống nhất mức giảm 25% trong tháng 4, con số giảm trong tháng 5 sẽ được xem xét và thông báo sau nếu lúc đó V-League vẫn chưa thể trở lại. “Dịch kéo dài, không chỉ CLB khó khăn mà các nhà tài trợ cũng thế, nên rất cần mọi người chia sẻ. Rất may là toàn đội ai cũng đồng ý với mức giảm 25%. Tháng 5 tới, nếu đội vẫn phải nghỉ tiếp tục vì dịch, chúng tôi sẽ bàn tiếp việc giảm 25% lương hoặc giảm thêm nữa”- giám đốc điều hành Trần Thái Toán cho biết. Không chỉ giảm lương, CLB Nam Định cũng tạm thời giải tán, cho các cầu thủ đã có gia đình tập luyện tại nhà để duy trì thể lực. Điều này cũng giúp CLB cắt giảm thêm một khoản đáng kể tiền ăn trong tháng.
CLB Thanh Hóa là đội bóng tại lương nhiều nhất cho đến thời điểm này. Toàn đội thống nhất mức giảm lương tháng 3 là 30%, tháng 4 là 40% và tháng 5 là 50% nếu V-League chưa thể trở lại. Khi nào giải đấu trở lại, lương cầu thủ sẽ trở về 100%. Toàn thể nhân viên và cán bộ đội bóng cũng chấp nhận mức giảm lương tương tự với mức của cầu thủ và ban huấn luyện. Ngoài ra, một số CLB khác cũng đang có những kế hoạch giảm lương cầu thủ trong thời gian tới nếu giải đấu tiếp tục tạm hoãn dài hạn.
Trong đó, cũng giống như CLB Thanh Hóa, CLB TP HCM đưa ra lộ trình giảm lương rất rõ ràng với những con số cụ thể trong cả 3 tháng. Tháng 4, toàn đội giảm lương 30% và sẽ tiếp tục lũy tiến con số này nếu như vẫn nghỉ dịch không thi đấu ở những tháng tiếp theo, cụ thể là giảm 40% trong tháng 5 và 50% trong tháng 6. “Từ chủ tịch, các cầu thủ và BHL CLB TP HCM đã đồng ý giảm lương trong tháng 4 để bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19”- ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch CLB TP HCM cho biết. Bên cạnh việc chấp nhận giảm lương tháng 4, toàn thể thành viên của đội bóng TP HCM cũng có hành động thiết thực khi trích phần tiền thưởng của mình để ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19. Các cầu thủ TP HCM cũng góp 400 triệu tiền thưởng, trích từ số tiền thưởng của hai trận thắng ở V-League 2020 để chung tay với Uỷ ban nhân dân TP HCM phòng chống dịch Covid-19…
Những gì nhiều CLB bóng đá Việt Nam đang gặp phải là khó khăn chung và đội bóng nào cũng muốn các cầu thủ cùng chia sẻ. Tất cả đều đã và đang phải gồng mình, vừa lo chống dịch, vừa tính chuyện tồn tại. Ông Lê Khánh Hải-Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch VFF cũng vừa có “tâm thư” động viên, kêu gọi các CLB cùng thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm niềm tin, khát vọng, chia sẻ, suy nghĩ, hành động thiết thực để cùng nắm tay nhau vượt qua thử thách trước mắt, hướng đến kết quả, giá trị tốt đẹp trong thời gian sắp tới. Nội lực, sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và hành động, sự tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau sẽ là chìa khóa để giúp bóng đá Việt Nam đứng vững và phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào.