Kiểm soát chất lượng dạy học từ xa

Thu Hương - Đoàn Xá 16/04/2020 08:00

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GDĐT sẽ tiến hành khảo sát tình hình dạy học từ xa. Từ đó khuyến nghị các giải pháp cho từng cấp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả việc dạy học từ xa. Dự kiến ngay trong tuần này, Bộ GDĐT sẽ có một cuộc họp trực tuyến với một số địa phương thuộc vùng đặc thù, vùng khó khăn.

Kiểm soát chất lượng dạy học từ xa

HS tiểu học chưa thể lấy bài trên mạng, chưa thể truy cập internet hay sử dụng điện thoại gửi bài cho giáo viên kiểm tra được.

Khó chồng khó

Tại TP HCM, sau hơn hai tuần áp dụng biện pháp dạy học trực tuyến (qua truyền hình, mạng xã hội…), nhiều phụ huynh (HS) bắt đầu thấy khó khăn. Ngoài chi phí đầu tư trang thiết bị như máy tính, webcam, mic, điện thoại cấu hình cao, mạng internet… thì chất lượng và hiệu quả cũng khiến nhiều người băn khoăn. Đặc biệt với các HS tiểu học, hầu như khi HS học trực tuyến thì phải có cha mẹ ở bên cạnh kèm học vì nhiều kỹ năng xử lý thiết bị của các em đều chưa có.

Một phụ huynh có 2 con đang học tiểu học (lớp 1 và lớp 3) ở quận Gò Vấp cho biết, việc học trực tuyến hiện nay chủ yếu là cô giáo đưa các bài học tiếng Việt, Toán hay tiếng Anh có sẵn, gửi cho phụ huynh để kèm các em học. Sau đó gia đình gửi lại bài học của các em cho giáo viên kiểm tra, chấm điểm.

“Như gia đình tôi có thời gian ở nhà kèm 2 con học thì không sao, nhà nào phải đi làm thì các em gần như không thể học. Nguyên nhân do các HS tiểu học chưa thể lấy bài trên mạng, chưa thể truy cập internet hay sử dụng điện thoại gửi bài cho giáo viên kiểm tra được. Mà HS học trực tuyến có khi kéo dài tới vài giờ đồng hồ, phụ huynh rất vất vả để song hành cùng con”- phụ huynh này cho biết.

Không chỉ tốn tiền bạc, thời gian của phụ huynh, việc học trực tuyến ở bậc tiểu học cũng không mang đến hứng thú cho các em. Thay vì ở lớp có bạn bè, ngồi theo sắp xếp để tập trung học ở nhà, các em bị phân tâm rất nhiều. Ngoài ra ở TP HCM, nhất là quận huyện ngoại thành có hàng nghìn HS là người nhập cư, gia đình đi ở trọ. Vì vậy điều kiện vật chất của cha mẹ không đáp ứng được các yêu cầu của giáo viên về học trực tuyến, nhất là các thiết bị máy móc. Nhiều phụ huynh phải tới trường lấy tài liệu về cho các học hay nhờ máy móc của người khác. Thậm chí có phụ huynh còn không biết viết chữ tiếng Việt trên điện thoại, máy tính khiến việc kèm con em theo học rất gian nan.

Ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, việc nhà trường dạy học qua mạng trong mùa dịch bệnh Covid-19 chủ yếu theo 2 hình thức chính: giáo viên gửi clip bài giảng lên youtube, rồi gửi link cho HS tự học, kiểm tra kiến thức bằng các bài tập và tổ chức lớp học trực tuyến qua các ứng dụng theo kiểu cuộc gọi video nhiều người với khung giờ cố định.

Trong đó, việc tổ chức những lớp học trực tuyến theo cách thứ hai thường dành cho HS cấp 2, cấp 3, có thể chủ động trong việc sử dụng thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại... Tuy nhiên, trên thực tế đã ghi nhận những lo ngại về việc bảo mật của các hệ thống này nên Bộ GDĐT đã đề nghị các địa phương, các trường cần tăng cường đảm bảo an toàn, tập huấn kiến thức và kỹ năng sử dụng internet trong quá trình học trực tuyến.

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) cho biết: “Bộ đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát tất cả các phần mềm học trực tuyến, đặc biệt là các phần mềm hay được dùng để ra khuyến cáo, hướng dẫn cho các nhà trường, địa phương tự lựa chọn tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình…”.

Đối với cách dạy theo phương thức gửi kho bài giảng cho HS sẽ phù hợp với HS nhỏ tuổi, khả năng sử dụng thiết bị công nghệ chưa thật thành thạo và chủ động. Một giáo viên dạy lớp 1 trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết nhà trường có 18 giáo viên dạy lớp 1. Các cô sẽ phân công nhau ghi hình bài học và tự lồng tiếng để gửi tới HS. Yêu cầu là những cô có giọng nói dễ nghe, rõ ràng mới được tham gia lồng tiếng để đảm bảo thuận lợi cho việc tiếp nhận bài giảng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là không có khả năng tương tác sư phạm…

Nhanh chóng hoàn thiện quy chế dạy học trực tuyến

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ GDĐT mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian qua, việc dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình đã được triển khai tích cực ở các địa phương, cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT cũng đã có hướng dẫn với từng cấp học. Để có thống kê cụ thể về mức độ tham gia, chất lượng dạy học, những khó khăn vướng mắc, sắp tới Bộ GDĐT sẽ tiến hành khảo sát tình hình dạy học từ xa thông qua việc triển khai dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình để nắm bắt tình hình thực tế, có giải pháp hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nhanh chóng hoàn thiện quy chế dạy học trực tuyến, trong đó có các quy định về an toàn, an ninh, nhằm bảo vệ học sinh, giáo viên trong quá trình tham gia dạy và học. Đồng thời, xây dựng video clip hướng dẫn giáo viên dạy trực tuyến; tiếp tục tiến hành thẩm định các bài giảng do địa phương gửi về để phát sóng trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia (VTV7).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT, các địa phương đã tổ chức tuyển chọn giáo viên tiêu biểu tham gia xây dựng các bài giảng bám sát chương trình tinh giản và tổ chức dạy học trên truyền hình, qua internet. Bài giảng từ địa phương được Bộ GDĐT tổng hợp, thẩm định và chuyển tới kênh VTV7 phát sóng bắt đầu từ ngày 13/4/2020. Các đài truyền hình địa phương cũng đã tiếp sóng bài giảng của VTV7.

Để chuẩn bị cho những diễn biến mới về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị chuyên môn chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học trong giai đoạn tới, trong đó có tính tới phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học.

Thu Hương - Đoàn Xá