Thấy gì khi học online?
Những ngày qua, nhiều giáo viên than phiền về việc lớp học online bị quấy phá bởi chính các học sinh, hoặc một số đối tượng ngoài xã hội. Thay vì tập trung học tập, lắng nghe cô giáo giảng bài để nắm vững kiến thức thì một số em chèn vào các video với những hình ảnh phản cảm, lời nói thô tục. Cá biệt, có một số học sinh còn cung cấp ID phần mềm học trực tuyến (zoom) cho các đối tượng ngoài xã hội nhảy vào lớp học phá rối, trêu chọc cô giáo gây mất tập trung của những học sinh khác.
Tranh minh họa.
Các giáo viên cũng đã trao đổi với nhau về các biện pháp phòng tránh, song có vẻ như lực bất tòng tâm vì nhiều lý do khác nhau. Về lý do khách quan là do phần mềm học trực tuyến miễn phí zoom có tính bảo mật cực kém, dễ lộ thông tin người dùng, dễ dàng chia sẻ. Về chủ quan, nếu các giáo viên tắt mic của học sinh thì sẽ không thể tương tác trực tiếp với các em, chỉ có thể dạy một chiều tức là giáo viên cứ giảng, học sinh cứ nghe. Còn nếu tắt cả camera của học sinh thì có khi trong khi cô giáo giảng bài các em đã trốn đi chơi từ lúc nào rồi cũng không biết, không thể kiểm soát.
Song, nói cho đến cùng thì vẫn là lỗi từ phía một số học sinh chưa ngoan, thiếu ý thức, trong khi thiếu sự kiểm soát của các bậc phụ huynh. Nếu có phụ huynh giám sát trong các buổi học online, làm sao có chuyện học sinh có thể thoải mái chèn các video dung tục, quậy phá vào lớp học gây mất tập trung. Nếu có phụ huynh giám sát, làm sao học sinh có thể tự ý chia sẻ ID phần mềm cho các đối tượng ngoài xã hội nhảy vào lớp học trêu chọc, quấy rối cô giáo? Và nếu có phụ huynh giám sát, đương nhiên các học sinh sẽ tập trung lắng nghe giảng bài hơn rất nhiều, thay vì nghĩ cách chọc phá.
Nói như vậy sẽ có một số phụ huynh bao biện rằng: Nhà lắm việc, làm gì có thời gian mà kiểm soát các buổi học online của con cái. Xin thưa, đó chỉ là cách tránh né trách nhiệm của các bậc phụ huynh đối với con cái mà thôi. Thứ nhất, mỗi lớp học online chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, không có lý do gì để các bậc phụ huynh không thể thu xếp giám sát, nhất là trong bối cảnh hầu hết các phụ huynh đều đang làm việc ở nhà để tránh lây lan đại dịch Covid-19. Thứ hai, một phụ huynh có trách nhiệm sẽ cần biết con cái học hành ra sao, chứ không “khoán trắng” cho thày cô.
Còn nữa, sở dĩ có những học sinh thiếu ý thức như vậy là do hàng ngày chưa được giáo dục đến nơi đến chốn. Từ đó dẫn đến việc số học sinh này không nhận thức được việc chèn video dung tục vào lớp học gây rối, chia sẻ ID phần mềm cho người ngoài nhảy vào lớp học chọc phá... là những hành vi không thể chấp nhận được. Hành vi của những học sinh này không chỉ khiến bản thân các em không tiếp thu được bài, mà còn làm mất sự tập trung của giáo viên và các bạn khác trong lớp, dẫn đến chất lượng của buổi dạy và học trực tuyến không đảm bảo, nếu như không muốn nói chỉ là con số 0.
Buồn ở chỗ, các giáo viên dù cố gắng đủ mọi cách thì cũng không thể giải quyết được triệt để thực trạng này. Mà khi thường xuyên bị chọc phá, gây rối thì các buổi học trực tuyến sẽ không còn tác dụng, học cũng như không. Bởi lẽ, giáo viên không còn tâm tư để giảng dạy, học sinh không thể tập trung lắng nghe, thì làm sao có thể truyền đạt kiến thức, làm sao có thể hiểu bài? Trong một lớp học bình thường sự mất trật tự đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học. Vậy nên trong không gian mạng trực tuyến thì sự hỗn tạp về âm thanh, hình ảnh sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình học tập.
Trong bối cảnh như vậy thì phương pháp giải quyết tối ưu là cô giáo khóa hết mic, camera, share màn hình của học sinh, rồi cứ thao thao bất tuyệt, chẳng cần biết các em có hiểu bài hay không, bị hổng kiến thức nào để mà giảng lại. Như vậy vừa đảm bảo vẫn thực hiện được buổi dạy và học trực tuyến, lại không bị học sinh chèn hình ảnh dung tục từ những video bậy bạ, tránh đối tượng ngoài xã hội nhảy vào lớp phá rối. Song, tất nhiên là một buổi học như vậy sẽ chẳng mang lại hiệu quả bao nhiêu, bởi chỉ thuần túy là sự nhồi nhét kiến thức mà thiếu hẳn sự tương tác cần thiết giữa giáo viên và học sinh.
Vậy nên, để các buổi học online thực sự đạt chất lượng, trước tiên các phụ huynh cần tăng cường giám sát con em mình, giáo viên cần có biện pháp mạnh tay để răn đe những học sinh chưa có ý thức bằng việc đánh giá đạo đức, điểm số, thậm chí buộc thôi học. Các nhà trường, phòng giáo dục, sở giáo dục các địa phương cũng cần có những hỗ trợ kịp thời cho giáo viên để giải quyết triệt để thực trạng đáng buồn này. Nếu cần có thể nhờ lực lượng công an can thiệp, làm rõ để xử lý răn đe những đối tượng phá rối lớp học.