Họa sĩ Việt cùng nhau lan tỏa yêu thương
Từ các chương trình từ thiện “Thiện Nhân và những người bạn”, “Phẫu thuật Nụ cười Việt Nam (Operation Smile Vietnam)”, “Nhà chống lũ”, “Hạnh phúc xanh”… gần đây là “Cùng chung tay đẩy lùi Covid-19”, các họa sĩ Việt Nam luôn đã tiên phong với sự nhiệt tâm trong nhiều năm.
Họa sĩ Lê Thế Anh.
Họa sĩ Lê Thế Anh- người đứng ra phát động phong trào, tổ chức và đồng thời là “sàn đấu giá” kết nối các bức tranh thiện nguyện giữa họa sĩ với các nhà sưu tập, cho biết:
- Hôm trước xem các bức ảnh những người lính phải căng bạt nằm đất, nhường doanh trại phục vụ cách ly chống dịch, tôi rất xúc động. Hôm sau, một người bạn tôi công tác ở bệnh viện, chia sẻ riêng với tôi bức ảnh của thủ trưởng cô ấy đang tranh thủ nằm nghỉ trên hai chiếc ghế Xuân Hòa kê lại với nhau vì quá mệt sau chuỗi ngày chống dịch. Những hình ảnh ấy rất đỗi bình thường nhưng tác động sâu sắc đến tôi.
Tình cờ tôi có quen một nhóm các nhà hảo tâm là doanh nhân đang chung tay quyên góp để ủng hộ mua thiết bị y tế cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, một bệnh viện tuyến đầu trong chống dịch. Bằng mối quan hệ của mình, các anh chị ấy nắm rõ bệnh viện đang cần gì thiết thực nhất. Tôi thấy mình cũng cần góp một phần nhỏ công sức của mình vào chương trình này. Đó không chỉ là trách nhiệm công dân mà còn là lời cảm ơn thiết thực của tôi đối với những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch. Tôi đã đấu giá một bức tranh của tôi và sau đó thì các họa sĩ cũng đồng lòng tham gia. Tất cả số tranh trong chương trình này sẽ dành ủng hộ 100% để mua thiết bị y tế phòng chống dịch covid 19.
Từ khi nào anh tham gia các hoạt động thiện nguyện và trở thành người kết nối tác phẩm của các họa sĩ đến nhà sưu tập?
- Tôi trở trành người tổ chức các chương trình đấu giá tranh từ thiện rất tình cờ. Trước đó tôi chưa từng nghĩ là sẽ làm được việc này.
Lần đầu tiên tôi làm là chương trình đấu giá bán tranh cho họa sĩ Nguyễn Tất Lập. Sau đó, tôi lại có duyên với các câu chuyện từ thiện khác. Đa phần là sự tình cờ. Chẳng hạn như chương trình đấu giá tranh ủng hộ một bạn chạy thận. Khi đó, tình cờ tôi thấy một họa sĩ đấu giá tranh để giúp cậu ấy, tôi tìm hiểu thì biết cậu ấy bằng tuổi em trai tôi, em trai tôi cũng mất vì suy thận khi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Em tôi cũng được rất nhiều người giúp đỡ. Tôi nghĩ mình nên giúp cậu ấy, giống như trước đây em tôi được mọi người giúp đỡ vậy. Ban đầu tôi đăng đấu giá bức tranh của tôi cùng họa sĩ Bùi Văn Tuất. Nhưng sau đó rất nhiều họa sĩ đồng cảm cũng gửi tranh đến và nhờ tôi đấu hộ. Cứ thế chương trình lan ra và thành công. Những chương trình như thế cho tôi thấy cuộc đời thất nhiều ý nghĩa và người tốt luôn xung quanh mình.
Một trong số những bức tranh được bán đấu giá trong “Đẩy lùi dịch Covid-19” vừa qua.
Trong nhiều hoạt động từ thiện, họa sĩ Việt Nam dù nhiều người đời sống kinh tế cá nhân còn khó khăn, nhưng lại luôn tham gia nhiệt tình và bền bỉ. Còn anh có tiêu chí nào khi chọn tranh từ họ không?
- Các chương trình đấu giá đều vì mục đích từ thiện nên tôi đề cao tấm lòng của các họa sĩ. Ngẫm ra, họa sĩ đa phần đều nghèo, lo mua họa phẩm nhiều lắm. Họ gửi tranh ủng hộ chương trình rồi lại còn để giá thấp hơn rất nhiều giá bán thực tế của mình những mong đấu giá thành công thì phải nói họ thật hào phóng và có tâm. Họ tin tưởng tôi, giao tranh cho tôi để làm cầu nối giúp các đối tượng cần giúp đỡ, tôi cảm ơn họ không hết, sao nỡ từ chối tấm lòng của họ. Tranh có thể chưa đẹp, nhưng tấm lòng họa sĩ đẹp. Vả lại để thẩm định chất lượng tranh, không phải lúc nào cũng thỏa đáng. Chi bằng các tác phẩm ấy cứ trưng bầy ra, chạm tới trái tim người ngắm, họ sẽ mua. Tôi chỉ có một nguyên tắc bắt buộc khi tuyển tranh đó là: tranh không vi phạm bản quyền, có giấy chứng nhận và họa sĩ tự chịu trách nhiệm về tính chuyên môn của tác phẩm. Tranh phải không hư hỏng khi giao cho nhà sưu tập.
Theo quan sát cá nhân, tôi thấy các chương trình đấu giá tranh thiện nguyện do anh tổ chức thu hút đông đảo nghệ sĩ tham gia và số lượng tranh bán được cũng rất nhiều?
- Thật vui khi các chương trình đấu giá online nói chung, đấu giá từ thiện nói riêng đạt được khá nhiều hiệu quả. Đó cũng là điều dễ hiểu của thời đại 4.0 hôm nay. Các chương trình đấu giá của tôi vì từ thiện nên lan tỏa rất nhanh. Tôi luôn cố gắng làm chuyên nghiệp, có tâm từ khâu quyên góp tranh đến khâu công khai tài chính. Chỉ khi nào tranh đến tận tay nhà sưu tập an toàn và tài chính giúp đỡ hiệu quả người cần giúp đỡ thì tôi mới an tâm. Các chương trình thế này đấu giá trực tiếp chỉ diễn ra từ 1 đến 3 ngày nhưng tôi phải mất cả tháng từ khâu đầu đến khâu cuối. Cũng vì thế mà các họa sĩ tin tưởng chương trình và nhà sưu tập cũng nhiệt tâm ủng hộ. Còn gì vui hơn khi vừa làm việc tốt vừa sở hữu một bức tranh mà ở đó đẹp nhất ở cái tình. Vì vậy thành công của các chương trình từ thiện tôi làm không phải ở số lượng họa sĩ tham gia, số tranh đóng góp, số tiền thu được... mà trên hết là lan tỏa yêu thương.
Một trong số những bức tranh được bán đấu giá trong “Đẩy lùi dịch Covid-19” vừa qua.
Anh làm thế nào để đảm bảo tốt tất cả các khâu, từ giao nhận tranh cho đến chuyển tiền đến các chương trình từ thiện?
- Các chương trình từ thiện có rất nhiều khâu. Từ việc tiếp nhận thông tin gửi tranh, thẩm định giá đấu, giá bán... đến việc túc trực phiên đấu. Chỉ cần internet nghẽn mạng mà có hai người comment trả giá trùng nhau mà không giải quyết thấu đáo là rất áy náy... vì trên hết người mua tranh cũng là vì cái tình. Chính vì cẩn trọng từng chi tiết một nên các chương trình của tôi luôn thông suốt mà không gặp trục trặc gì. Quan điểm của tôi là làm các chương trình này vì thiện tâm nên khi giao tiếp với họa sĩ hay nhà sưu tập, tôi luôn hướng đến cái tình trong mỗi người.
Như vậy, anh cũng đã sử dụng mạng xã hội hết sức hữu dụng cho việc lan tỏa yêu thương?
- Mỗi người chúng ta ai cũng mong có hình ảnh đẹp trong mắt người khác. Đó là nhu cầu chính đáng và văn minh. Tuy nhiên, làm cách nào để duy trì một hình ảnh đẹp cả trong đời thường cũng như trên mạng xã hội là điều quan trọng. Vì rõ ràng, đôi khi ta thấy, có người rất đẹp trên Facebook nhưng chưa chắc đã thực sự tốt trong cuộc sống đời thường. Đây có lẽ mới là tính “ảo” đáng buồn của mạng xã hội khi mà người ta dùng nó chỉ để đánh bóng tên tuổi mà thôi. Tất nhiên, là một giảng viên đại học, hàng ngày tiếp xúc với sinh viên - thế hệ dùng mạng xã hội như một món ăn tinh thần không thể thiếu thì tôi cũng khá nghiêm túc trong việc giữ gìn hình ảnh. Điều này không chỉ tốt cho tôi mà còn tốt cho môi trường giáo dục nữa. Ngoài ra, trên cương vị một họa sĩ, công việc sáng tạo ra cái đẹp, tôi thấy mình cần rèn luyện, tu dưỡng để có một tâm hồn đẹp. Cái Đẹp từ Tâm người họa sĩ sẽ khiến mỗi bức tranh thêm Đẹp và giàu năng lượng hơn.
Xin cảm ơn anh và chúc anh cùng các họa sĩ Việt Nam tiếp tục làm đẹp, đóng góp cho xã hội qua mỗi tác phẩm và tấm lòng thiện nguyện.
Một số bức tranh được bán đấu giá trong “Đẩy lùi dịch Covid-19” vừa qua.