Cúm mùa, không thể xem nhẹ
Trong đợt dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona - SARS-CoV-2 (Covid-19) này, đã có những báo cáo y khoa cho thấy, người Mỹ còn sợ cúm hơn cả Covid-19. Số liệu cho thấy, tử vong do cúm năm 2019 tại Mỹ lên tới 20.000 ca. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia sẻ, chỉ số lây lan của virus corona là 2,2, tức một người bệnh có thể lây ra 2,2 người, trong khi bệnh sởi, cúm, thủy đậu (trái rạ) có chỉ số lây cao hơn nhiều, như bệnh sởi là 12-18. Lo sợ Covid-19, nhưng có những căn bệnh khác, như cúm mùa cũng dễ lây và nguy cơ cao không kém, nên điều quan trọng là phải phòng bệnh từ sớm.
Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên được đi tiêm vắc xin phòng cúm.
Tâm lý thấy dịch bệnh mới đổ xô đi tiêm chủng
Trước dịch bệnh do virus corona, nhiều người dân đã lo sợ đi tiêm phòng cúm vì cho rằng chích ngừa cúm sẽ giúp họ giảm nguy cơ lây nhiễm virus này. Theo một khảo sát tại một trung tâm tiêm chủng thuốc loại lớn nhất của nước ta, từ đầu 2020, số người đến tiêm chủng vắc xin ngừa cúm mùa đã gia tăng khoảng 300% so với bình thường, vắc xin ngừa viêm phổi do phế cầu tăng hơn 200% so với trước. Đáng chú ý, có sự gia tăng người đến tiêm chủng ở nhóm người trưởng thành, phụ nữ chuẩn bị mang thai, trong khi trước đây chỉ người già mới chú ý tiêm vắc xin này.
Tuy nhiên, theo ông Phan Trọng Lân-Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM: “Phải khẳng định cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy chích ngừa cúm mùa giúp người dân giảm, hay tránh được nguy cơ bị nhiễm virus corona chủng mới. Các nhà khoa học trên thế giới đều đang tìm hiểu về loại virus này và cũng chưa có thuốc đặc trị, hay vắc xin phòng ngừa loại virus này”.
Tại nước ta, mỗi năm có trên một triệu người mắc hội chứng cúm mùa. Do giao lưu, đi lại nhiều nên khả năng mắc cúm mùa ở mỗi người dân là rất lớn. Việc tiêm phòng cúm có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh này, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao, như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người mắc các bệnh mãn tính…, nhưng hiện bệnh cúm vẫn chưa được nhiều người quan tâm đúng mức. Đa số người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm mà virus cúm có thể gây ra, và thường nhầm lẫn bệnh cúm với bệnh cảm thông thường (bệnh cảm do khoảng 200 loại virus gây ra, trong đó nhiều nhất là rhinovirus (siêu vi ở mũi) - nguyên nhân của 40% loại cảm.
Ông Đặng Đức Anh-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, ngoài vắc xin cúm mùa nhập khẩu, từ năm 2019, Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được vắc xin ngừa cúm mùa trên dây chuyền công nghệ do Nhật Bản hỗ trợ. Hiện dây chuyền và quy trình sản xuất tại đây đã được công nhận, có thể sản xuất nhiều loại vắc xin ngừa cúm. “Có điều tôi e ngại là người Việt Nam ít chịu đi tiêm chủng, hoặc sử dụng các biện pháp phòng dịch tích cực. Thường đến khi dịch bệnh bùng nổ, mọi người sợ hãi mới bắt đầu đổ xô đi tiêm chủng, nhu yếu phẩm cần thiết chống dịch. Những cơn sốt khẩu trang, nước rửa tay hay tình trạng gia tăng người tiêm vắc xin ngừa cúm và viêm phổi cho phế cầu thời gian qua minh chứng điều này” - ông Đức Anh nhấn mạnh.
Vắc xin cúm dạng xịt mũi.
Nên chích ngừa cúm hằng năm
Bộ Y tế khuyến cáo, người lớn và trẻ em cần tiêm vắc xin ngừa cúm hằng năm. Song hiện nay, vắc xin ngừa cúm chưa nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, còn nhiều người có nhu cầu tiêm phòng cúm vẫn thắc mắc không biết nên tiêm phòng vắc xin ngừa căn bệnh này ở đâu và ai là đối tượng cần tiêm vắc xin phòng cúm nhất? Tìm hiểu của chúng tôi, được biết hiện nay Việt Nam có trung tâm cúm quốc gia trong tổng số 110 trung tâm cúm quốc gia của thế giới. Trung tâm đặt tại Viện Pasteur TP HCM và ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Hiện nay có nhiều điểm tiêm dịch vụ ở cả các đơn vị y tế dự phòng, các bệnh viện, phòng khám cả công và tư, có các loại vắc xin phục vụ chích ngừa cúm mùa.
Các chuyên gia cho biết, cúm là loại bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp gây nên bởi virus cúm. Bệnh thường lây nhiễm qua đường hô hấp (ho, hắt hơi), và cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với mầm bệnh (như tay dính virus qua bắt tay, dùng chung các vật dụng… rồi đưa lên mắt, mũi hay miệng của mình). Cũng vì vậy việc phòng bệnh, khuyến cáo mọi người nên thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước có thể hạn chế lây truyền cúm, mang khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác, hoặc dùng khăn giấy (che cả miệng lẫn mũi) khi ho hay hắt hơi và bỏ giấy ngay sau khi sử dụng.
Một khi bị cảm, chỉ cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt nếu sốt trên 38 độ, súc họng nước muối ấm, ăn lỏng (cháo, súp). Thực tế, cảm và cúm đều có những biểu hiện đầu tiên tương đối giống nhau, như: sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, nghẹt mũi, sổ mũi. Nhưng vẫn có cách phân biệt các triệu chứng của cảm và cúm. Bệnh cảm thường chỉ kéo dài trong khoảng một tuần. Trong khi đó, bệnh cúm dai dẳng hơn, và có thể gây biến chứng viêm phổi, đặc biệt nếu bệnh diễn tiến nặng và nhanh ở trẻ, người già, hoặc người có bệnh phổi, tim thì có chỉ định phải nhập viện. Do vậy, nếu thấy khó thở, hoặc sốt trở lại sau khi đã đỡ một hoặc hai ngày thì hãy đến gặp bác sĩ để theo dõi nhằm đề phòng biến chứng ở thể cúm nặng.
Các nhà khoa học Đại học Thiên Tân (Trung Quốc) đang tìm kiếm đối tác thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin uống chống Covid-19 Ảnh: Reuters.
Cúm ngoài gây ra biến chứng viêm phổi, cũng có thể gây biến chứng viêm xoang và viêm tai. Lịch sử đã ghi nhận những đại dịch cúm làm tử vong nhiều người mà gần nhất là cúm A H5N1 vào năm 2010. Thống kê dịch tễ cho thấy cứ khoảng 10-14 năm thì đại dịch cúm lại bùng phát. Ở phía bắc bán cầu và có khí hậu nhiệt đới như ở nước ta, virus cúm thường hoạt động mạnh mẽ vào khoảng tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Bởi vậy các chuyên gia khuyến cáo, người dân đi tiêm phòng ổn định hằng năm, tránh đến khi có dịch mới đổ xô đi tiêm chủng. Đối với người chưa tiêm vắc xin này thì cần tiêm trong thời gian sớm nhất. Do hằng năm chủng của vắc xin cúm mùa được cập nhật nên để phòng ngừa cúm tốt nhất, người dân nên đi chích ngừa cúm vào tháng 4, tháng 5 hằng năm.
Thói quen, mỗi lần nghe nói đến loại dịch bệnh nào đó xảy ra mới sốt sắng đi tiêm vắc xin ngừa bệnh xảy ra ở nhiều nơi tại Việt Nam, gây ra tình trạng quá tải, hoặc khan hiếm cục bộ vắc xin ở một số thời điểm, đã đến lúc thói quen này cần phải thay đổi.
Hy vọng sớm có vắc xin ngừa Covid-19
Cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết, nếu đúng tiến độ, nước này có thể sử dụng một số vắc xin phòng Covid-19 trong thử nghiệm lâm sàng, hoặc các trường hợp khẩn cấp vào tháng sau.
Cùng lúc đó, các nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng gia ở London, Anh vào đầu tháng 3/2020, đã tiến hành thử nghiệm trên chuột vắc xin ngừa Covid-19 được sản xuất từ vi khuẩn. Nếu kết quả khả thi, thì trong vài tháng tới văcxin sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người. Đại học Queensland (Úc) cũng thông báo, đã thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trên động vật.
Một số cơ quan nghiên cứu và hãng dược dự kiến thời gian bắt đầu thử nghiệm lâm sàng nơi người lâu hơn. Công ty dược Johnson & Johnson ở Mỹ dự kiến từ 8-12 tháng nữa mới thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trên người. Trong khi đó, Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp nhắm đến giai đoạn thử nghiệm vắc xin trên người khoảng từ một năm tới một năm rưỡi nữa. Ông David Loew - Phó Chủ tịch điều hành Sanofi cho biết, Sanofi sử dụng công nghệ ADN tái tổ hợp (lắp ráp các đoạn ADN lấy từ các tế bào khác nhau thành một phân tử ADN) để rút ngắn thời gian phát triển vắc xin. Trước đây, Sanofi từng thử nghiệm vắc xin ngừa SARS trên động vật và đã đạt được kết quả miễn dịch. Sanofi và Johnson & Johnson đều đã ký thỏa thuận với Bộ Y tế Mỹ phát triển vắc xin ngừa virus corona chủng mới.
Còn tại Pháp, GS Frédéric Tangy- Giám đốc Phòng thí nghiệm sáng kiến vắc xin thuộc Viện Pasteur cho biết, Viện Pasteur dự kiến đến cuối tháng 9/2020 mới chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19 trên người. Viện Pasteur điều chế vắc xin dựa trên vắc xin sởi bằng cách cấy thêm gen của virus corona vào virus sởi đã chết. Hướng nghiên cứu này từng được Viện Pasteur áp dụng trong hai cơn dịch SARS và MERS-CoV.
Một số nước khác vẫn đang tìm kiếm vắc xin ngừa virus corona chủng mới. Tại Iran ngày 4/3, tướng Alireza Jalali, Chủ tịch Đại học Y khoa Baghiyyatollah ở Tehran - thông báo đang chờ Tổ chức Thực phẩm và dược phẩm Iran cấp giấy phép để đưa vắc xin vào thử nghiệm lâm sàng. Tại Nga vào cuối tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova thông báo Trung tâm quốc gia nghiên cứu virus và công nghệ sinh học VECTOR đã phát triển năm mẫu vắc xin ngừa Covid-19 để sau đó sẽ chọn ra một ứng viên vắc xin tốt nhất…
Hy vọng, thế giới sẽ sớm có vắc xin để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến và khó lường này.