Giảm môn thi THPT quốc gia: Cần thận trọng
Bộ GDĐT đã trình Chính phủ 2 phương án thi THPT quốc gia, gồm: Giảm môn thi hoặc không tổ chức kỳ thi. Đối với phương án giảm môn thi, nhiều ý kiến đồng tình do giảm bớt áp lực thi cử cho nhà trường và học sinh. Tuy nhiên cũng cần thận trọng vì sẽ gây ra những hệ lụy...
Mô hình học trực tuyến vẫn đang được các trường trên cả nước áp dụng. Ảnh: Quang Vinh.
Mong được tự chọn môn thi
Theo tính toán của Bộ GDĐT, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8. Hiện chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được tinh giản từ 19 tuần xuống có thể hoàn thành trong 10 tuần, trong đó học sinh đã học hai tuần trước Tết. Vì vậy, với phương án vẫn tổ chức thi THPT quốc gia, phương thức cơ bản như năm 2019, nhưng xem xét giảm số môn thi. Đồng thời, những nội dung tinh giản sẽ không có trong đề thi và sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với học sinh.
Đối với phương án này, chuyên gia giáo dục TS Lê Thống Nhất cho rằng trong tình hình đặc biệt hiện nay, cả nước thực hiện chống dịch dài ngày, ngoài việc tinh giản nội dung chương trình thì để giảm bớt áp lực cho thầy và trò có thể cân nhắc phương án giảm môn thi. Tuy nhiên cũng cần thận trọng vì sẽ gây ra những hệ lụy. Trong đó, với môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, TS Lê Thống Nhất cho rằng không thể giảm vì đây là những môn cơ bản tối thiểu, chắc nhiều người nhất trí thi 3 môn này.
“HS phổ thông có dự định thi cuối cấp vào ĐH chắc cũng đã hình dung ra khối thi cho mình rồi. Nhiều người cũng trao đổi về việc bỏ hai bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, theo tôi để phù hợp với thiên hướng của HS dự kiến cho mình các khối thi, các khối trường mình định thi vào, Bộ GDĐT có thể không bắt buộc các em phải thi cả 3 môn trong tổ hợp này, chẳng hạn các em có thể lựa chọn 2 trong 3 môn thi của bài thi tổ hợp. Cách làm này giúp vừa giảm áp lực thi cử, vừa phù hợp để các trường dựa vào các bài thi này để tuyển sinh” – TS Lê Thống Nhất bày tỏ.
Về ý kiến cho rằng, các em đã chuẩn bị thi tổ hợp rất lâu dài rồi, nếu giảm môn thi có ảnh hưởng đến sự công bằng của các thí sinh hay không bởi có môn thi là điểm mạnh của em này nhưng với em khác lại gây bất lợi? TS Lê Thống Nhất cho rằng việc để HS tự quyết định thi 2 trong 3 môn thi của bài thi tổ hợp sẽ là hợp lý thay vì Bộ GDĐT quyết định cứng thi môn này, bỏ môn kia…
Chia sẻ quan điểm cần thận trọng khi quyết định cắt giảm môn thi/bài thi nào, cô Ngô Thị Quyên – Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép (TP Thái Nguyên) cho rằng, với mục đích “2 trong 1” của kỳ thi, nếu cắt/giảm hoặc bỏ một bài thi nào đó đều có tác động đến thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), mà trực tiếp là công tác tuyển sinh của các trường. Chẳng hạn, các trường kỹ thuật, họ cần tuyển sinh theo tổ hợp Toán – Lý – Hóa. Nếu kỳ thi bỏ bài thi môn Hóa học hoặc Vật lý, họ sẽ mất đi “thang đo” quan trọng để xét tuyển.
Vẫn chờ đợi kỳ thi THPT quốc gia
PGS. TS Bùi Quốc Triệu, trưởng Phòng Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng kết quả thi THPT quốc gia là căn cứ quan trọng để nhiều trường tuyển sinh nên nhà trường vẫn chờ đợi việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa trên kết quả này. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, kỳ thi không được tổ chức, nhà trường mới tính đến phương án tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, nhiều khả năng trường sẽ “liên minh” với các trường khác để thi chung theo kiểu của kỳ thi THPT quốc gia để tránh “ảo”.
Nhiều trường vẫn đang chờ đợi kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, phương án tự chủ tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội là sẽ có thêm một kì thi có tính chất bổ sung cùng với việc xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Một số trường ĐH khác cũng có thêm các phương án chủ động trong việc xét tuyển thí sinh của trường để không phụ thuộc vào kết quả kỳ thi THPT như ĐH Vinh công bố 5 phương thức tuyển sinh. Theo các chuyên gia, lý tưởng nhất vẫn là kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức để làm căn cứ tuyển sinh cho các trường. Nếu để mỗi trường tự tổ chức thi tuyển hoặc một nhóm cùng tổ chức, có thể lại quay lại “kịch bản” các năm trước đây, HS từ các tỉnh đổ về thành phố lớn ôn thi và nở rộ luyện thi theo form của trường. Cũng có thể xảy ra tiêu cực bởi khi đó, mỗi trường như một ốc đảo. Một lý do khác nữa là nếu bỏ thi THPT quốc gia và xét học bạ dễ nảy sinh tiêu cực bởi cơ chế “xin, cho”, hay tư tưởng “tháo khoán”, tuyển cho đủ của một số trường.
Nhiều nước thả lỏng chất lượng đầu vào vì họ giám sát chất lượng học ĐH rất tốt. Còn ở Việt Nam, trên thực tế có những trường sinh viên vào rồi cứ thế mà ra thôi… Một chuyên gia nêu ý kiến và cho rằng lý tưởng nhất vẫn là tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với các môn thi cơ bản, phù hợp với việc xét tuyển ĐH và có thể là cắt giảm độ khó của bài thi, tập trung vào kiến thức học kỳ 1 và các năm học trước.