Cảnh đẹp... rợn người
Người dân thị trấn Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) mấy ngày qua bất ngờ được chiêm ngưỡng cảnh tượng “tuyết” phủ trắng xóa kênh Suối Chợ, trải dài tới 2-3 km.
Một số người đã ra đây selfie, chụp ảnh trước cảnh tượng lạ mắt này. Song, mọi người đều không hiểu được nguyên nhân vì sao kênh Suối Chợ bỗng nổi “tuyết”, nên cảm thấy rất sợ. Ngay sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã vào cuộc và phát hiện thủ phạm gây ra cảnh tượng “đẹp rợn người” đó là Công ty CP bột giặt Lix.
Bước đầu, lực lượng liên ngành tỉnh Bình Dương xác định, việc kênh Suối Chợ nổi bọt là do nước thải từ KCN Đại Đăng và các hóa chất độc hại từ Công ty CP bột giặt Lix gây ra. Nguyên nhân là do Công ty Lix để nguyên vật liệu sản xuất ngoài trời nên khi trời mưa to đã theo dòng nước tràn ra kênh Suối Chợ. Còn KCN Đại Đăng thì để nước mưa chảy vào hệ thống thu gom xử lý nước thải rồi tràn ra ngoài cũng góp phần gây ô nhiễm cho kênh Suối Chợ trong những ngày qua.
Sở dĩ một đoạn kênh Suối Chợ trải dài 2-3km ở thị trấn Tân Phước Khánh nổi bọt trắng xóa, bởi trận mưa to tối 9/4 đã cuốn theo tới 500m3 nguyên liệu sản xuất của Công ty CP bột giặt Lix, với thành phần ô nhiễm chính là các chất hữu cơ và chất hoạt động bề mặt (hàm lượng COD là 9.125 mg/l, vượt quy chuẩn 121 lần). Mặc dù được chứng kiến cảnh tượng đẹp mắt chưa bao giờ có, nhưng người dân của thị trấn vô cùng lo lắng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng như vậy liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không.
Khi môi trường bị ô nhiễm nếu không được xử lý rốt ráo, triệt để thì khó tránh khỏi ảnh hưởng tới nguồn nước, sức khỏe người dân. Song, với sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương, mức độ ô nhiễm của kênh Suối Chợ sẽ mau chóng được kiểm soát, xử lý triệt để, giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại đối với sức khỏe của người dân. Trước mắt, lực lượng liên ngành tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Công ty CP bột giặt Lix phải khắc phục ngay tình trạng để nguyên liệu sản xuất tràn ra môi trường.
Lẽ ra trong quy trình sản xuất, Công ty CP bột giặt Lix phải lường được trước việc thất thoát nguyên liệu sản xuất là các hóa chất độc hại ra bên ngoài gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, để có những biện pháp phòng tránh triệt để. Song, đáng tiếc là quy trình sản xuất của doanh nghiệp này hết sức cẩu thả, luộm thuộm gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Điều đó thể hiện rõ ở việc các thùng chứa hóa chất của Công ty này không những để ngoài trời, mà một số còn không có nắp đậy mới dẫn đến việc bị nước mưa làm tràn ra kênh Suối Chợ.
Nếu Công ty CP bột giặt Lix thực sự có trách nhiệm với cộng đồng, thì người dân sống xung quanh đã không phải một phen sợ hãi đến vậy. Nếu cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của doanh nghiệp này thì có lẽ kênh Suối Chợ đã không bị ô nhiễm nặng, để rồi sinh ra một cảnh tượng “đẹp chưa từng có”. Hiện, chưa nói đến việc trên toàn quốc có hàng trăm, thậm chí nghìn KCN, chỉ riêng tỉnh Bình Dương cũng đã có khá nhiều KCN với không ít doanh nghiệp sản xuất bằng nguyên liệu là hóa chất độc hại. Nếu doanh nghiệp nào cũng thiếu ý thức thì môi trường sẽ ra sao?
Việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty CP bột giặt Lix chỉ chủ yếu là các chất hoạt động bề mặt, dù có gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của cộng đồng nhưng vẫn còn có thể dễ dàng xử lý. Nói dại mồm, một doanh nghiệp nào đấy do sự cẩu thả, luộm thuộm, thậm chí thiếu trách nhiệm làm thất thoát chất phóng xạ ra môi trường thì di họa sẽ là khôn lường. Bởi lẽ, nếu liều lượng chất phóng xạ bị thất thoát ra môi trường mà nhiều thì không chỉ ảnh hưởng tức thì tới người dân, mà còn gây ô nhiễm môi trường nhiều năm, rất khó xử lý.
Tất nhiên, những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ bị chế tài, xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Song, dù có phạt các công ty này nặng đến đâu, thậm chí tước giấy phép sản xuất kinh doanh, truy cứu trách nhiệm hình sự... thì cũng không thể cứu vãn được môi trường ô nhiễm nặng nề, đời sống người dân bị ảnh hưởng, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Khi mà có quá nhiều doanh nghiệp thiếu ý thức, làm bừa, làm ẩu mà không được giám sát chặt chẽ, đến một lúc nào đó sự ô nhiễm môi trường sẽ không thể cứu vãn. Lúc đó thì mọi chế tài đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm cũng sẽ trở nên vô nghĩa mà thôi.
Vậy nên, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, trải thảm đỏ cho doanh nghiệp, chính quyền các địa phương cũng cần cân nhắc, xem xét thận trọng để có thể vừa đảm bảo phát triển kinh tế, nhưng lại không được phép làm ô nhiễm môi trường. Đừng vì nôn nóng phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường. Trong quá trình các doanh nghiệp hoạt động, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hạn chế và triệt tiêu nguy cơ tàn phá môi trường.