FTA thế hệ mới: Động lực thúc đẩy DN phục hồi
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới, đặc biệt là CPTPP và EVFTA sẽ là những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phục hồi sau khi dịch Covid-19 được dập tắt.
Mỗi DN cần phải chủ động để có thể đón nhận các cơ hội đến từ các FTA thế hệ mới. Ảnh: Quang Vinh.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến cho sức khỏe của cộng đồng DN Việt bị suy sụp nặng nề. Số liệu thống kê cho biết, trong quý 1/2020, có gần 34.900 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước), trong đó, khoảng 18.600 DN tạm thời đóng cửa, tăng 26% so với cùng kỳ; 12.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 4.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Một số chuyên gia nhận định, đã có những dấu hiệu cho thấy tình hình trong quý II sẽ tệ hơn nhiều, chẳng hạn như, không còn khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Cùng với đó, nhu cầu hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu giảm mạnh do hầu hết các nước đối tác thương mại đều đang áp dụng các biện pháp phong tỏa...Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, việc Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phục hồi của cộng đồng DN, của nền kinh tế hậu Covid-19.
Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ mang đến cơ hội lớn, đặc biệt là cho công cuộc phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.
Chỉ riêng với EVFTA, theo ước tính, Hiệp định này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Tuy nhiên, để DN có thể hội nhập thành công và chớp được những cơ hội đến từ các FTA này, vẫn rất cần sự nỗ lực bứt phá từ mỗi DN. Dịch bệnh Covid -19 rổi sẽ qua đi, việc mà mỗi DN cần làm lúc này là phải chủ động để có thể vững bước đón nhận các cơ hội đến từ các FTA thế hệ mới. Cùng với đó là sự chung tay, đồng thuận của nhà quản lý. Bởi, dù nhiều cơ hội nhưng những quy định, quy chuẩn đến từ các thị trường ngày là rất khắt khe. Bởi vậy, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), các DN cần nỗ lực để cải thiện về chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng như rất nhiều yếu tố khác để ngoài việc vượt qua hàng rào bắt buộc từ phía nhà nước, còn có thể chinh phục khách hàng EU.
Về phía nhà quản lý, Bộ Công thương cho biết, đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ. Dự kiến ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực), Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.
Để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, hiện Bộ Công thương đang xây dựng mẫu Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để gửi các bộ, ngành, địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện của cơ quan mình.