Kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm
Ngày 16/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp trực tuyến thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Nhiều ý kiến đã chỉ ra những bất cập khi vẫn còn một số dự án luật phải xin rút ra khỏi chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và các bộ đã quan tâm, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc và chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương lập đề nghị xây dựng các dự án luật được giao. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, một số dự án luật phải xin rút ra khỏi chương trình. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, theo Bộ trưởng Lê Thành Long là do lãnh đạo một số cơ quan vẫn còn chưa chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng pháp luật, chưa quan tâm lập kế hoạch một cách chi tiết, khoa học cho việc lập đề nghị xây dựng và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, cũng như sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia.
Thẩm tra tờ trình trên, bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc lập và thực hiện chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như: Tính dự báo của chương trình không cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ trong ngắn hạn. Việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung thêm dự án vẫn diễn ra phổ biến, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội. Theo bà Dung, tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn. Việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện còn yếu, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình xây dựng pháp luật trong nhiều trường hợp chưa được thể hiện và phát huy tối đa, nhất là trong công tác chuẩn bị dự án.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi chương trình Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Theo Nghị quyết số 78/2019/QH14, dự án luật này thuộc chương trình năm 2020, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình năm 2020 do hiện nội dung của dự án luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn như: Các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế -xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; chế độ quản lý, ...
Dẫu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ về rút ra khỏi chương trình Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, tuy nhiên ĐB Nguyễn Văn Sinh (đoàn Hòa Bình) cho rằng, thực tiễn vấn đề thất thoát, lãng phí đất đai thể hiện rất rõ. Luật có nhiều kẽ hở, hình thành nhiều đại gia từ đất đai, tập trung lợi ích, tiền của, tài nguyên vào một nhóm người, làm cho bần cùng hoá một bộ phận người dân khác. Tình trạng phá rừng cũng liên quan đến đất đai, nếu không sửa thì thực hiện rất khó. Do đó, theo ông Sinh, Chính phủ cần quyết tâm nghiên cứu nội dung này.