Giữa khủng hoảng, dân Israel nhớ 'người đàn bà thép'
Đại dịch Covid-19 hoành hành, nguy cơ “vô chính phủ” cũng đang hiện hữu. Người dân Israel trong lúc này đang mong nhớ về nữ Thủ tướng đầu tiên của họ, bà Golda Meir - người được mệnh danh là “người đàn bà thép vùng đất thánh” đã làm nên sự hùng mạnh của quốc gia Do Thái thập niên 70 thế kỷ trước.
Bà Golda Meir.
Con gái người thợ mộc…
Sinh năm 1898 tại Ukraine, cô bé Golda Meir (tên tiếng Nga: Golda Mabovitch) là con gái một người thợ mộc Moshe Mabovitch. Sau khi cùng gia đình dành dụm đủ số tiền để mua vé sang New York (Mỹ) năm 1906, Golda Meir đã có những bước ngoặt về cuộc đời mình.
Trong cuốn tự truyện của mình được công khai sau này, Golda Meir kể khi mẹ bà điều hành một cửa hàng tạp phẩm ở phía Bắc Milwaukee, lên tám tuổi Golda đã được giao trách nhiệm trông nom cửa hàng khi mẹ đi chợ mua đồ. Golda theo học Fourth Street Grade School (hiện được lấy theo tên của bà: Golda Meir School) từ năm 1906 tới năm 1912. Mới chưa đến 10 tuổi đầu, Golda Meir đã có cá tính của một người chỉ huy khi tổ chức một cuộc gây quỹ để lấy tiền mua sách cho các bạn học, thuê một ngôi nhà và tổ chức những cuộc gặp mặt thường xuyên cho những người bạn.
Các ấn tượng chính trị đầu tiên với thiếu nữ Golda Meir là năm 14 tuổi. Lúc này, khi người mẹ muốn mình rời trường học và lập gia đình, Golda Meir đã kiên quyết phản đối. Golda Meir mua vé tàu tới Denver, Colorado, và tới sống với người chị đã lập gia đình của mình là Sheyna Korngold. Không ai có thể ngờ, Golda Meir chừng đó tuổi đã tham gia tranh luận về “chủ nghĩa phục quốc Do thái”, văn học, quyền bầu cử của phụ nữ, hệ thống công đoàn, và các vấn đề chính trị khác ngay tại gia đình hai vợ chồng Korngold.
Cũng tại Denver, bà cũng gặp Morris Meyerson, người Do Thái từ Latvia di cư tới Mỹ với miêu tả “xuất thân nghèo khổ là con mồ côi nhưng đã tự học thành tài, tri thức uyên bác, tính tình hoà nhã”. Việc định cư tại Palestine là điều kiện tiên quyết của bà để đám cưới với Morris được diễn ra.
Từ đây, trải qua nhiều cương vị chính trị, năm 1928, bà được bầu làm thư ký chính thức của Ủy ban Phụ nữ Lao động, phái viên tại Hoa Kỳ, Hội đồng Hành pháp của Histadrut và dần lên chức trước khi trở thành lãnh đạo Phái chính trị của chính phong trào này (1934).
… Trở thành Thủ tướng
Vai trò chính trị của bà Golda Meir có ý nghĩa đặc biệt khi năm 1946, nắm chức vụ quyền lãnh đạo Phái chính trị của Cơ quan Do Thái. Bà dần trở thành người đàm phán chính giữa người Do Thái tại Palestine và chính quyền ủy trị Anh. Để có tiền quyên cho Nhà nước Do Thái non trẻ mới thành lập (tháng 5/1948), bà Meir đi sang Mỹ và tìm cách gây quỹ với số tiền hơn 8 triệu USD. Đây được coi là hành động của “người phụ nữ Do Thái kiếm được tiền khiến việc thành lập Nhà nước trở thành hiện thực và được ghi vào sử sách”.
Từ năm 1949-1966, “người phụ nữ không biết mệt mỏi đầy trí tuệ”- theo cách gọi người dân Israel dành cho bà đã đảm nhiệm nhiều cương vị như Đại sứ toàn quyền tại Moscow, Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Ngoại giao… trước khi tạm nghỉ 3 năm với chức vụ Tổng Thư ký Mapai, ủng hộ Thủ tướng Levi Eshkol trong những cuộc xung đột nội bộ.
Sau cái chết bất ngờ của Thủ tướng Levi Eshkol vào tháng 2/1969, bà Meir được bầu làm người kế nhiệm. Từ thời điểm này, cái tên “người đàn bà thép ở vùng đất thành” ra đời như những gì bà đã làm được. Đặc biệt là việc xử lý các bất ổn nội bộ và đưa Israel trở thành một quốc gia hùng mạnh.
Trong suốt năm 1969 đến đầu thập niên 1970, các cuộc ngoại giao con thoi giữa bà Meir với hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới để quảng bá tầm nhìn của bà về một nền hòa bình ở Trung Đông, gồm cả Richard Nixon (1969), Nicolae Ceaușescu (1972) và Giáo hoàng Paul VI (1973)… được tiến hành. “Các đàm phán có tính chất win-win (cùng chiến thắng) là nỗ lực của một nữ Thủ tướng đầu óc và quyết đoán”- truyền thông Mỹ mô tả.
Cầm quyền đến tận tháng 4/1974, dù Đảng của bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12/ 1973, nhưng bà từ chức với một câu phát biểu khiêm tốn “ đó là nguyện vọng của nhân dân”. “Không có nguyện vọng của nhân dân nào cả, đó là một sự tự trọng có tính chất vĩ đại”- nhiều người dân ủng hộ Đảng của bà nói với truyền thông vào thời điểm đó.
Sau khi bà từ chức và qua đời năm 1978, dựa trên những ghi chép lịch sử và cuốn tự truyện của bà (My Life), hàng chục vở kịch, phim được xây dựng và công chiếu về cuộc đời của “một nữ Thủ tướng như một huyền thoại”.
Israel có thể sẽ chứng kiến một cuộc bầu cử Quốc hội thứ 4 trong vòng 1 năm khi vào đêm 15/4 (tức 16/4, giờ Việt Nam), một thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh giữa 2 đối thủ chính trị Benny Gantz, lãnh đạo đảng Xanh - Trắng và Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn chưa thể khép lại. Điều này đang làm dấy lên những lo ngại những khủng hoảng chính trị sẽ làm cho cuộc chiến chống Covid-19 tại quốc gia này đình trệ, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân. Trên truyền thông, nhiều người dân Israel trong lúc này đã bày tỏ họ mong muốn có một nữ Thủ tướng như bà Golda Meir cầm quyền.