Dạy - học trực tuyến: Cơ hội số hóa đào tạo đại học
Hiện cả nước có 45% cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã thực hiện đào tạo trực tuyến, trong đó có 63 trường đại học (ĐH) công lập và 42 trường dân lập. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến “Đào tạo trực tuyến GDĐH trong bối cảnh dịch Covid-19” do Bộ GDĐT tổ chức ngày 17/4 với hơn 300 điểm cầu gồm các trường ĐH, CĐ và doanh nghiệp viễn thông.
Ảnh minh họa.
Khó khăn đủ đường
Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GDĐT cho biết, hiện nay nhiều cơ sở GDĐH học hạn chế về hạ tầng công nghệ như chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến. Học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hoá nên chưa kiểm soát chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, các ngành đào tạo thực hành, chuyên sâu đặc thù khó triển khai thực hiện. Giảng viên ĐH vẫn còn hạn chế về kỹ năng xây dựng bài giảng, học liệu, kỹ năng tổ chức lớp học trực tuyến. Sinh viên thì hạn chế về trang thiết bị, hạ tầng mạng internet, đặc biệt là sinh viên vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, sinh viên còn thiếu kỹ năng để học trực tuyến: kỹ năng về sử dụng công nghệ; kỹ năng về phương pháp. Đó là chưa kể đào tạo trực tuyến cũng đã nảy sinh một số nguy cơ, rủi ro trong quá trình học tập trực tuyến như mất an toàn, an ninh thông tin; nguy cơ tiềm ẩn từ Internet và mạng xã hội (game, quảng cáo link đến các trang web đen..)..
Từ thực tế đó, Bộ GDĐT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xây dựng các chính sách đồng bộ trong việc hỗ trợ các cơ sở đào tạo; đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ, xây dựng chiến lược, giải pháp khả thi. Có các mục tiêu, chỉ số phát triển cụ thể về chất lượng, số lượng hệ thống E-learning/tổng số cơ sở đào tạo...
Thừa nhận thực tế này, đại diện ĐH Quy Nhơn cho biết do hạ tầng công nghệ thông tin không đủ đáp ứng cho dạy học trực tuyến, trong khi đa phần sinh viên của trường đều ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên điều kiện khó khăn. Vì vậy, đến nay, trường vẫn chưa thể triển khai dạy học trực tuyến.
Tương tự, ĐH Thái Nguyên cho biết, đầu năm 2020, nhà trường đã xây dựng trang website học trực tuyến để duy trì các môn học Ngoại ngữ và Tin học, các môn lý luận chính trị. Hiện trên 90% môn học của ĐH Thái Nguyên có các lớp học phần online. Tuy nhiên, do điều kiện sống và sinh hoạt của sinh viên ĐH Thái Nguyên có gần 70% là con em vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng khó khăn, nên việc trang bị công cụ học hạn chế.
Về phía ĐH Y Dược Thái Bình, lãnh đạo nhà trường cũng chia sẻ bên cạnh khó khăn về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin thì trình độ của thầy cô trong giảng dạy trực tuyến cũng chưa tốt.
Cơ hội nâng cao chất lượng
Chỉ ra những khó khăn của đào tạo trực tuyến, bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng, việc dừng học tập trung cũng đồng thời là cơ hội cho việc phát triển GDĐH theo hướng số hóa trong đào tạo. Đây cũng là cơ hội để các trường ĐH thúc đẩy cơ hội hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp ICT quốc gia, đa quốc gia; phát triển hệ thống đào tạo trực tuyến hỗ trợ cho hình thức đào tạo truyền thống...
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc đề nghị các cơ sở GDĐH, CĐ chia sẻ kinh nghiệm đào tạo trực tuyến cho nhau. Đồng thời khuyến khích các trường cùng nhau xây dựng các khóa học mở trực tuyến. “Nếu các cơ sở ĐH tận dụng tốt cơ hội này, thì về lâu dài, đào tạo của nhà trường sẽ chất lượng hơn, phương thức đào tạo sẽ đa dạng hơn, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình học tập. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng GDĐH” – ông Phúc nhấn mạnh.
Về phía các trường cũng đề xuất Bộ GDĐT cần xây dựng quy chế, quy chuẩn đào tạo trực tuyến dựa trên cơ sở đảm bảo chất lượng, đứng về phía người học, không nên đi quá sâu về kỹ thuật vì công nghệ thay đổi liên tục. Bộ GDĐT cũng cần có hệ thống các văn bản quản lý về đào tạo trực tuyến để giúp các trường thúc đẩy hình thức đào tạo này một cách đồng bộ, kể cả về khảo thí, tiến tới xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục - đào tạo thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Hướng dẫn thống nhất cho các trường ban hành văn bản về đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống.
Bên cạnh đó, các trường cũng kiến nghị Bộ GDĐT phát triển nguồn học liệu bài giảng đa phương tiện cho đào tạo trực tuyến; cần có quy định về quy chuẩn cơ bản việc đào tạo theo hình E-learning là xu thế tất yếu của xã hội, quy định chuẩn tối thiểu về đào tạo E-learning như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, người dạy, người học, đề cương học phần; công nhận kết quả học online…
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết hiện nay, Bộ đang sửa đổi quy chế đào tạo chính quy; trong quy chế này có đề cập phương thức đào tạo kết hợp giữa phương thức truyền thống và online. Đây là cơ sở để sau này các trường có thể triển khai chính thức.