Nối vòng tay lớn
Ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN do Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì trong vai trò Chủ tịch ASEAN; đã ra Tuyên bố của Hội nghị về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Ngày 16/4, tham dự Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao cũng với chủ đề hợp tác quốc tế phòng chống dịch Cocvid-19 trong khuôn khổ Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương, Việt Nam đã đưa ra 4 đề xuất cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 ứng phó đại dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN.
Điều đó cho thấy thái độ rõ ràng của Chính phủ Việt Nam hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Đó là thái độ cùng chung trách nhiệm, cùng chung vận mệnh khi đại dịch đe dọa loài người. Chính vào thời điểm này, tinh thần đoàn kết lại càng phải được đặt lên cao hơn bao giờ hết. Đoàn kết trong mỗi quốc gia dân tộc; đoàn kết trong khu vực và đoàn kết toàn thế giới.
Những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam đã được cộng đồng ASEAN, được thế giới ghi nhận như một hành động, một ý chí quyết liệt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trước đó, thế giới đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến này, với nhiều kinh nghiệm chống dịch được rút ra từ thành công của Việt Nam. Tới nay, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam không cao, số người được điều trị khỏi ngày một nhiều, chưa có ca tử vong. Đặc biệt, những kết quả ấy lại có được khi mà Việt Nam có đường biên giới trên bộ rất dài với Trung Quốc- nơi mà thành phố Vũ Hán được xác định là ổ dịch lớn nhất, bùng phát sớm nhất. Cùng với đường biên giới trên bộ, thì đường sắt, đường thủy, đường hàng không cũng là nguy cơ lây nhiễm đến từ bên ngoài. Nhưng đến nay có thể khẳng định Việt Nam đã ngăn chặn thành công nguồn lây nhiễm này.
Với lây nhiễm cộng đồng (nguồn từ trong nước), đây là nguồn cực kỳ nguy hiểm vì khó truy vết ca bệnh đầu tiên (FO), cũng như mức độ lây lan rất lớn với hậu quả không thể biết trước. Đó là thực tế đã và vẫn đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia giàu có, với nền y học mạnh như Mỹ, Italy, Đức, Pháp, Tây Ban Nha…, khi mà lây nhiễm cộng đồng đã khiến cho rất nhiều người nhiễm bệnh và nhiều người chết.
Trong lúc vẫn phải căng mình phòng chống, dập dịch thì Việt Nam vẫn sẵn lòng sẻ chia thiết bị y tế và những vật dụng thiết yếu cho nhiều quốc gia. Đó chính là thái độ, là trách nhiệm vì loài người của Đảng, Nhà nước Việt Nam, và cũng là tấm lòng của người Việt Nam với truyền thống “thương người như thể thương thân”.
Từ những nỗ lực và thái độ đầy trách nhiệm của Việt Nam nên Tuyên bố Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covis-19 (ngày 14/4) nêu rõ: “Chúng tôi tái khẳng định quyết tâm và cam kết, trên tinh thần một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”, duy trì đoàn kết và cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực (…). Chúng tôi kêu gọi đẩy mạnh một Cộng đồng ASEAN quan tâm và sẻ chia, nơi mà các quốc gia thành viên ASEAN hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn này”.
Còn tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng chống dịch Covid-19 trong khuôn khổ Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, quan điểm nhất quán của Việt Nam là đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Để cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với đại dịch này, Việt Nam đã đưa ra 4 đề xuất cụ thể. Trong đó nhấn mạnh tăng cường đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và WHO. “Trong khả năng của mình, Việt Nam sẽ đóng góp vào nỗ lực này và sẵn sàng cung cấp các vật tư, thiết bị y tế “Made in Viet Nam”.
Đáng chú ý, trong đề xuất thứ 3, Việt Nam nhấn mạnh: Kêu gọi dừng các hoạt động ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, nhất là chấm dứt các hành vi cường quyền, đơn phương trái với luật pháp quốc tế; ủng hộ Lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về ngừng bắn trên toàn cầu và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt làm suy yếu khả năng ứng phó với đại dịch của các quốc gia.
Điều đó một lần nữa càng cho thấy trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Trong gian khó thì phải đoàn kết chứ không phải là khiêu khích, đe dọa, gây hấn với những biểu hiện cường quyền. Không một quốc gia nào được phép “lợi dụng tình thế” dịch bệnh để thủ lợi riêng, nhất là tìm cách đem sức mạnh quân sự, bạo lực ra để đe dọa nước khác. Đó là hành động đi ngược lại lương tri của nhân loại.
Hơn lúc nào hết, chính lúc này tất cả các quốc gia càng cần phải “nối vòng tay lớn”, để tình người lan tỏa; để mỗi người, mỗi quốc gia mạnh mẽ đương đầu và vượt qua đại dịch Covid-19, đại dịch lớn nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai (năm 1945) tới nay.
Với tinh thần đó, suốt thời gian qua trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam đã mở lòng, đã “nối vòng tay lớn” với toàn thế giới.