Nếu có tâm thì đừng ra điều kiện
Những ngày qua, mạng xã hội “nóng” bởi 2 luồng dư luận phản biện về chương trình 3A, do Mạng lưới tự kỷ Việt Nam (VAN) khởi xướng. Một bên cho rằng chẳng mất gì, cứ gắn hastag ở chế độ public với nội dung “#autism, #awareness, #a365” để bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ, giúp trẻ tự kỷ lấy được 200 triệu đồng của nhà tài trợ. Luồng ý kiến trái chiều lại cho rằng, nếu đã làm việc thiện thì phải vô tư, trong sáng sao lại đặt điều kiện cộng đồng mạng phải chia sẻ được 100.000 chữ A mới giải ngân?
Trước luồng dư luận trái chiều, VAN đã phải đưa lên website chính thức của đơn vị này lời xin lỗi. Song, bên cạnh việc xin lỗi, VAN cũng không quên thanh minh rằng, nhà tài trợ (tổ chức Grand Challenges Canada - GCC) không hề đặt ra bất cứ điều kiện gì khi hỗ trợ 200 triệu đồng cho trẻ tự kỷ. Ý tưởng chia sẻ 100.000 chữ A là do chính VAN đề xuất nhằm lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng sự cảm thông, chia sẻ với trẻ tự kỷ. Để mọi người có nhận thức đúng, sớm phát hiện và chữa trị trẻ tự kỷ, tránh để lại gánh nặng cho xã hội.
Nhiều người hoài nghi về cách lý giải của VAN, bởi ngay trong nhóm kín do đơn vị này thành lập (gồm thành viên là cha mẹ trẻ tự kỷ, các chuyên gia...), thì cũng đã áp đặt thông báo: Ai không chia sẻ 3A thì sẽ bị loại ra khỏi nhóm. Điều này đã khiến một số cha mẹ của trẻ tự kỷ chạnh lòng, cảm thấy như chương trình đang lợi dụng vào bệnh tật của con cái mình nhằm nhận được gói tài trợ. Tất nhiên, mới đây VAN đã phải xin lỗi và xin rút lại thông báo áp đặt trên ở website chính thức của đơn vị.
Trong chương trình 3A do VAN phát động, ngoài việc gắn hastag với “#autism, #awareness, #a365”, còn khuyến khích người chia sẻ gắn thêm ảnh con cái và gia đình. Điều này khiến một số phụ huynh phản ứng, họ cho rằng việc đưa ảnh con cái mình (là những đứa trẻ bình thường) lên mạng rồi gắn hastag nói trên như thể chúng là những đứa trẻ khuyết tật kêu gọi tài trợ; không khác gì việc lợi dụng con cái và gia đình họ để kiếm tiền một cách không trong sạch.
Cứ cho rằng chương trình 3A do VAN tự nguyện phát động chứ không phải là điều kiện của nhà tài trợ để nhận được 200 triệu đồng, nhằm mục đích lan tỏa sự yêu thương, chia sẻ đối với trẻ tự kỷ. Song, cái cách truyền thông của VAN để tạo ra sự lan tỏa yêu thương, chia sẻ đối với trẻ tự kỷ là sai cách, không đem lại nhiều hiệu quả như mong muốn. Để mọi người trong xã hội nhận thức đầy đủ, đúng đắn về trẻ tự kỷ, VAN hoàn toàn có thể phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phát tờ rơi, kể cả đưa lên mạng xã hội, nhưng nội dung phải phù hợp, rõ ràng để mọi người đều có thể hiểu.
Nhiều ý kiến người dùng mạng xã hội khẳng định, việc chia sẻ hastag với “#autism, #awareness, #a365” hoàn toàn là làm theo cảm hứng, phong trào, “nghe nói xin được 200 triệu đồng cho trẻ tự kỷ”... chứ thực ra họ chẳng hiểu những chữ đó có nghĩa gì cả. Thực chất nghĩa của các từ trên là: Autism - tự kỷ, awareness - nhận thức và 365 là địa chỉ trang website 365.vn dành cho cha mẹ của trẻ tự kỷ tìm hiểu thông tin về căn bệnh này. Song, đâu phải ai dùng mạng xã hội cũng biết tiếng Anh để hiểu điều đó.
Cần phải tách bạch, không thể nhập nhèm giữa việc hành động để lan tỏa yêu thương với sự ủng hộ, quyên góp của nhà hảo tâm. Nếu thực sự GCC không có điều kiện gì khi hỗ trợ 200 triệu đồng mà do VAN tự nghĩ ra thì có thể nói đó là việc làm sỉ nhục lòng hảo tâm của nhà tài trợ. Còn nếu không như lời VAN giải thích, GCC thực sự đặt điều kiện thì đó không còn là sự thiện nguyện nữa. Khi mà sự ủng hộ lại được gắn theo điều kiện thì đó là sự đổi chác, mặc cả, mua bán chứ không còn là việc làm thiện nguyện nữa.
Còn nếu mục đích là để lan tỏa sự yêu thương, chia sẻ của cộng đồng xã hội đối với trẻ tự kỷ thì càng không nên đưa vào điều khoản nếu đủ 100.000 chữ A sẽ nhận được gói hỗ trợ 200 triệu đồng. Nếu chỉ có một vài chữ A, vài chục chữ A, thậm chí là chỉ có 99.999 chữ A thì sao? Không lẽ nhà tài trợ sẽ cắt không ủng hộ 200 triệu đồng nữa? Nói như vậy để thấy rằng của cho không quan trọng bằng cách cho, nếu có tâm thì đừng ra điều kiện. Như vậy mới lan tỏa yêu thương.