Hành động cường quyền giữa đại dịch

Nam Việt 20/04/2020 07:30

Theo thông tin trên Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 18/4 ra thông cáo Quốc vụ viện nước này mới đây đã phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” và “huyện Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam.

Đây là hành vi nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành động cường quyền giữa đại dịch

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: CSIS/AMTI/VOV.

Theo đó, Bộ Dân chính Trung Quốc tự ý qui định trụ sở cái gọi là “huyện đảo Tây Sa” sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là “huyện đảo Nam Sa” sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Chữ Thập là 1 trong 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng, kiểm soát trái phép và bất chấp luật pháp quốc tế để bồi đắp thành đảo nhân tạo.

Những động thái mới nhất này, cùng với hàng loạt các hoạt động phi pháp khác trước đó cho thấy mặc dù tuyên bố không quân sự hóa ở Biển Đông nhưng những gì Trung Quốc đã và đang tiến hành lại cho thấy hoàn toàn ngược lại. Điều đó không chỉ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam mà còn là yếu tố gây bất ổn trên Biển Đông.

Thế giới đều đã biết, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời kêu gọi Trung Quốc và các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức căng thẳng trên phạm vi toàn cầu, thì những tuyên bố và hành động kể trên của Trung Quốc trên Biển Đông là không thể chấp nhận. Dư luận quốc tế đặt câu hỏi: Vì sao trong khi thế giới đang đoàn kết lại để chống đại dịch thì Trung Quốc lại đơn phương có hành động như vậy? Câu trả lời phải được đưa ra từ chính lãnh đạoTrung Quốc.

Biển Đông thời gian qua không lặng sóng đều xuất phát từ những tham vọng độc chiếm, từ những hăm dọa dùng vũ lực cũng như những hành động vi phạm luật pháp quốc tế trên vùng biển này. Từ trong lịch sử cũng như trên thực tế, theo luật pháp quốc tế, quyền, chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam trên Biển Đông là rất rõ ràng. Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác giải quyết tất cả những bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, bằng biện pháp hòa bình, điều đó đã được chứng mình trong thực tế. Tuy nhiên, quyền, chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông của Việt Nam vẫn bị đe dọa, bị xâm lấn. Ngư dân Việt Nam vẫn bị o ép, bị cướp phá, bị đối xử thô bạo trong khi đang khai thác hải sản trong vùng biển của đất nước mình. Nói rộng ra, cũng chính những hành động gây hấn từ phía Trung Quốc mà quyền lợi của tất cả các quốc gia liên quan đến vùng biển này cũng bị đe dọa.

Một dẫn chứng gần nhất: Theo Reuters, 3 nguồn tin khu vực ngày 17/4 cho biết, một tàu khảo sát của Chính phủ Trung Quốc đã áp sát một tàu khảo sát của Công ty Dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia tại các vùng biển đó. Trong một tuyên bố ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các thông tin liên quan hoạt động gây hấn lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm tới các cơ sở dầu khí ngoài khơi của các nước có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng hành vi “bắt nạt” và kiềm chế các hoạt động gây hấn và gây bất ổn tương tự.

Có thể thấy, càng ngày thế giới càng lo ngại hơn trước những hành động của Trung Quốc đã và đang gây bất ổn trên Biển Đông.

Cũng cần nhắc lại, ngày 16/4/2020, tham dự Hội nghị trực tuyến 26 Bộ trưởng Ngoại giao về hợp tác quốc tế phòng chống dịch Covid-19 trong khuôn khổ Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã đưa ra 4 đề xuất quan trọng, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Trong đó, tại đề xuất thứ 3, Việt Nam kêu gọi “dừng các hoạt động ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, nhất là chấm dứt các hành vi cường quyền, đơn phương trái với luật pháp quốc tế; ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về ngừng bắn trên toàn cầu và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt làm suy yếu khả năng ứng phó với đại dịch của các quốc gia”.

Như vậy, với việc ngày 18/4 Bộ Dân chính Trung Quốc ra thông cáo Quốc vụ viện nước này đã phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “huyện Tây Sa” và “huyện Nam Sa” trực thuộc “thành phố Tam Sa”, tỉnh Hải Nam, trong khi thuộc về Việt Nam, chính là hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực của toàn thế giới đang chung sức chống đại dịch; là hành vi cường quyền, trái với luật pháp quốc tế, phải được chấm dứt.

Nam Việt