Giáo viên thất nghiệp, chủ trường lao đao
Sau hơn 3 tháng cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, hàng loạt trường mầm non rơi vào tình trạng lao đao, thậm chí đã có trường phải chấp nhận đóng cửa, sang nhượng vì không còn kinh phí duy trì tiếp được nữa.
Nghỉ học kéo dài, giáo viên mầm non lao đao.
Phụ huynh lẫn giáo viên và trường cùng bối rối
Theo thống kê, toàn quốc có khoảng 15.700 nhóm lớp mầm non tư thục, có quy mô dưới 70 học sinh. Với các cơ sở này, chủ trường thường là nhà đầu tư nhỏ, năng lực tài chính không dồi dào, nhiều cơ sở vay từ ngân hàng để hoạt động, trong khi dòng tiền đến từ học phí là chính. Việc không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả tiền mặt bằng (dù nhiều trường có được giảm bớt), trả tiền lương giáo viên thậm chí trả nợ ngân hàng đẩy họ vào tình cảnh cạn kiệt tài chính.
Chia sẻ với báo chí, cô Nguyễn Thị Lộc, Hiệu trưởng mầm non Vietkid Hà Nội buồn bã cho biết: Mỗi tháng tiền chi trả mặt bằng đã 300 triệu đồng, trả lương giáo viên gần 500 triệu đồng. Hiện tại chúng tôi vẫn phải duy trì đội ngũ giáo viên, nhân viên vì đó là những nhân vật nòng cốt của hệ thống, những người được đào tạo bài bản và họ rất yêu trẻ. Với phụ huynh, nhiều người không có chỗ gửi con nên hoặc là phải đem con đi làm cùng, hoặc là gửi con ở chỗ quen biết. Tuy nhiên, việc gửi trẻ ở bên ngoài trường cũng khiến phụ huynh không an tâm, chế độ ăn ngủ, sinh hoạt của các bé bị đảo lộn. Chúng tôi cố gắng cầm cự một thời gian nữa, nhưng nếu dịch vẫn kéo dài thì quả là khó khăn với cả hệ thống giáo dục chứ không phải riêng chúng tôi.
Tương tự, cô Nguyễn Thanh Trà, Hiệu trưởng Trường mầm non Bin Bon, Linh Đàm, Hà Nội chia sẻ: Đây là khó khăn chung của các trường tư. Thời gian nghỉ học kéo dài khiến cả phụ huynh lẫn giáo viên và trường bối rối. Trường tạm ngưng hoạt động vì không thể gánh được những khoản chi phí quá cao, từ công nợ phụ huynh, bảo hiểm, tiền lãi ngân hàng…
Về phía giáo viên, cô N.T.H, giáo viên một trường mầm non tư thục quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói như muốn khóc: Cũng như nhiều chị em khác, em tạm thời không có thu nhập và buộc phải tìm công việc khác để kiếm sống. Cô cho biết, chồng cô làm tại một công ty tư vấn về thủ tục xuất nhập khẩu cũng phải nghỉ việc bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Mất đi những nguồn thu quan trọng nhất, kinh tế gia đình chị rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Khó cầm cự
Hiện nay, số trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ gần 20% số trường mầm non trên cả nước với hơn 1,2 triệu học sinh đang theo học ở các hệ thống này. Sự việc hàng loạt trường đã và đang có nguy cơ giải thể sẽ dẫn đến tình trạng mất việc hàng loạt của giáo viên ở bậc học này, đặt áp lực lớn lên hệ thống mầm non khi học sinh đi học trở lại. Hồi đầu tháng 3, có hơn 150 trường tư thục trên cả nước đã đồng loạt “kêu cứu” vì có nguy cơ phá sản do Covid-19.
Một khảo sát nhanh do các trường tự thực hiện cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Các trường đã đề nghị một số biện pháp như giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay,… để có thể tiếp tục cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.
Nếu tình huống các trường phá sản xảy ra, hàng ngàn giáo viên và cán bộ tại trường sẽ thất nghiệp. Đặc biệt, nếu đó là các trường mầm non, việc này sẽ gây xáo trộn lớn với người dân khi công việc của nhiều phụ huynh bị ảnh hưởng do không thể gửi con đến trường.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng việc cho học sinh nghỉ là một biện pháp cần thiết và quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. “Tôi nghĩ giải pháp trước mắt các cơ quan liên quan nên nghiên cứu tổ chức, phát triển những nhóm nhỏ gia đình từ 5 đến 10 trẻ. Các giáo viên sẽ đến gia đình đó và trông coi trẻ. Tất nhiên, phải bảo đảm điều kiện về sức khỏe. Điều này vừa tạo điều kiện cho những phụ huynh không chăm được con có thể gửi con đến đó, vừa phần nào tạo thu nhập cho các cô”.
Về phía Bộ GDĐT, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Khó khăn là tình hình chung của cả nước và mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn này là phải chiến thắng dịch bệnh, Bộ GDĐT chia sẻ với những khó khăn của các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên trong giai đoạn hiện nay, nhất là các cơ sở giáo dục tư thục và đội ngũ giáo viên đang công tác ở khu vực này. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sớm được ban hành, áp dụng, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Trên cơ sở thống kê, rà soát những khó khăn, thiệt hại và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục, ngày 18/3/2020, Bộ đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân.