Bắc Kạn: Hàng chục liệt sĩ đang dần bị lãng quên?
Theo Lịch sử Đảng bộ xã Hà Hiệu (1930-2015) huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn (sách do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2016), tại trang 84 có ghi: Tháng 10/1950 một trận lũ lớn xảy ra trong đêm tối, ngoài sự mất mát, hư hại, kho lán, điều đau xót nhất là 21 công nhân, chiến sĩ bị chết đuối. Trong trận lũ lịch sử này, đồng chí Mậu Lâm, Trạm Trưởng Chi nhánh, may mắn còn sống sót và bị lũ cuốn trôi đến bản Nà Dài, xã Vĩnh Quang, huyện Ba Bể. Sau cơn lũ, nhân dân trong xã cùng người của chi nhánh tìm vớt và chôn cất những công nhân, chiến sĩ tử nạn.
Vụ việc bi thương ấy xảy ra cách đây 70 năm (1950-2020). Cơn lũ kinh hoàng, đổ về giữa đêm tối, mưa giông tầm tã nhiều ngày đã cuốn phăng những gì ở vùng ATK, Chiến khu chống Pháp tại bãi soi Đon Chiêm, thôn Nà Dài, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; trong đó có kho tàng lán trại, máy móc, thiết bị... đặt tại đây cùng 21 công nhân, chiến sỹ quân khí thuộc Chi nhánh quân giới (Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam), bị lũ cuốn vùi lấp, chỉ tìm thấy 11 thi thể...
Các bậc cao niên ở xã Hà Hiệu như cụ ông Ô Phúc Bình (sinh năm 1927, có 70 tuổi Đảng); cụ bà Hoàng Thị Mèo, (90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng) và bà Đồng Thị Bạch (sinh năm 1940)…là những nhân chứng từng “mục sở thị” trận lũ kinh hoàng năm 1950 ấy. Ông Mậu Lâm ngày đó là Trạm Trưởng Chi nhánh quân giới (người dân gọi là Tiểu đoàn trưởng), may mắn sống sót, khi bị lũ cuốn trôi đến thôn Nà Dài, gặp được một cây lớn, đã bám vào, leo lên thoát nạn, kể lại: “Lũ đổ về trong đêm, tất cả anh em trong Trạm mất phương hướng đều lao ra theo phản xạ và bị lũ cuốn… 39 người phiêu dạt tứ tán, 21 người bị lũ dữ vùi trong đêm kinh hoàng ấy”…
Điều đáng nói là cả quãng thời gian 70 năm, những thông tin về 21 người hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, có nguy cơ đang dần bị quên lãng. Bởi ngoài những dòng ghi rất đơn giản trong lịch sử Đảng bộ xã Hà Hiệu, không có bất kỳ vật chứng hoặc tài liệu nào còn lưu lại. Thậm chí danh sách chung của 21 người đã tuẫn nạn cũng không thể hiện tại cơ quan chức năng tại địa phương, nơi xảy ra trận lũ. Trừ khi, thỉnh thoảng có người tự xưng là người nhà của người đã mất đến hỏi về tin tức phần mộ người thân của mình, để có thể cải táng đưa về quê…Chẳng hạn, năm 1960, ông Doanh Thái Khoa và bà Gia Thị Thảo, là bố mẹ đẻ của chiến sỹ Doanh Thăng Xuyển là một trong số 21 người bị lũ cuốn , vùi lấp, quê ở xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã tìm đến và liên hệ với chính quyền ở đây, làm thủ tục cất bốc hài cốt đưa về quê an táng. Cùng thời gian này, gia đình một người thợ quân khí cũng tử nạn trong trận lũ, chôn cất ở thôn Phiêng Giản, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, được bốc hài cốt đưa về quê… Đáng tiếc, trường hợp này, khi đó cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không lưu giữ được bất kỳ tài liệu nào có liên quan đến họ và tên, quê quán người tử nạn cùng thân nhân của họ. Riêng trường hợp của chiến sỹ Doanh Thăng Xuyển, có em trai là Doanh Thăng Phong (hiện nay đã 88 tuổi), nhiều năm qua làm thủ tục gửi cơ quan chức năng đề nghị công nhận anh trai mình là liệt sỹ, nhưng chỉ nhận được câu trả lời … “chưa đủ nhân chứng và vật chứng”(?).
Được biết, năm 1993, huyện Ba Bể ( tỉnh Bắc Kạn), có tổ chức (đợt 1) tìm bốc hài cốt người hy sinh trong trận lũ lớn năm 1950 nêu ở trên và đã tìm được hài cốt của đồng chí Nguyễn Văn Châu (Phó Trưởng Trạm Chi nhánh quân giới và chiến sỹ Vũ Công Cách; Nguyễn Văn Hồng, đưa vào an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Ba Bể. Riêng liệt sỹ Nguyễn Văn Hồng, được gia đình đưa hài cốt về an táng ở xã Tam Canh, huyện Bình Xuyên , tỉnh Vĩnh Phúc… Năm 1995, huyện Ba Bể, tiếp tục (đợt 2), tổ chức tìm bốc hài cốt chiến sỹ gặp nạn trong trận lũ đó và đã tìm được 6 bộ hài cốt, nhưng đều không có thông tin về họ tên, quê quán…đành ghi “Liệt sỹ chưa biết tên”.
Như vậy, đến nay, 21 cán bộ chiến sỹ, công nhân quân khí Trạm Chi nhánh quân giới thuộc Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam , năm 1950, đặt tại bãi soi Đon Chiêm, thôn Nà Dài, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, đã tuẫn nạn trong trận lũ lớn, nhưng mới tìm được 11 bộ hài cốt, còn lại 10 bộ hài cốt có lẽ vĩnh viễn hòa vào đất ở vùng quê ATK kháng chiến năm xưa.
Giờ đây, việc tiếp tục tìm kiếm hài cốt và tìm lại tên cho hàng chục “liệt sỹ” đã ngã xuống nơi này cách đây 70 năm là một thách thức không nhỏ. Ông Lý Văn Thục - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hà Hiệu và một số cao niên chia sẻ tâm nguyện: Nên chăng, cơ quan chức năng đầu tư xây dựng một Bia tưởng niệm, có ghi danh họ và tên, năm sinh, quê quán... của 21 chiến sỹ công nhân quân khí QĐND Việt Nam đã hy sinh tại khu vực xã Hà Hiệu.